Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Chi tiết nhỏ - tác phẩm lớn

   Mỗi cuốn tiểu thyết với vô vàn những tình tiết, nhân vật nhưng không hiểu sao có những tình tiết rất nhỏ nhặt lại làm ta nhớ, đôi lúc ta cảm giác nó lẩn quất đâu đó như đã hoặc sắp xảy ra, không biết do đọc rồi bị ám ảnh hay khi viết lên những chi tiết đó nhà văn đã nắm bắt được những khúc quanh, nếp gấp ẩn giấu đâu đó trong mỗi con người hoặc chỉ là ngẫu hứng không biết nữa. 
  Khi đọc tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió không hiểu sao ta lại bị ám ảnh bởi cơn mơ của Scarlett, cơn mơ cô chạy hùng hục trong sương mù, cơn mơ lặp đi lặp lại sau khi cô dùng tay đào đến tóe máu để moi được mấy củ cải hay gì đó để cứu cơn đói của những con người còn lại trong ấp Tara. Ta cảm giác như mình cũng đã từng mơ giấc mơ đó nhưng khi nào và tại sao thì không nhớ, tại sao lại có cảm giác đó cũng không biết nốt vì ta chưa bao giờ biết bị đói thật sự là gì.
  Khi đọc cuốn Rừng Na Uy cũng vậy, ta đọc cuốn này vì nghe bạn bè quảng cáo là rất sex, ta chẳng nhớ được gì mấy về những cuộc làm tình mà lại bị găm vào chi tiết rất vớ vẩn ở ngay đầu truyện. Chi tiết về cái giếng đồng hư hư thực thực, cái giếng trong một đồng cỏ tuyệt đẹp và cô gái ( Naoko) cảnh báo chàng trai hãy đi thật cẩn thận vì hình như có một cái giếng sâu thăm thẳm đâu đó, ai rơi xuống đó cũng mất hút luôn, chưa ai nhìn thấy miệng giếng ở đâu  ... Không biết từ khi nào, trước hay sau khi ta đọc ta cũng cảm thấy có cái giếng đó, thấy như chỉ một cái sảy chân và ... cuộc sống và cái chết song song tồn tại...
  Khi đọc cuốn Tiếng chim hót trong bui mận gai, hàng tỷ các chi tiết hay ho nhưng sao ta lại rất nhớ cái chi tiết sinh nhật thứ mười tám Mecghi với chiếc áo màu tro của hoa hồng. Ta đã cố tưởng tượng ra cái màu ấy và ước ao cũng được mặc một chiếc váy như vậy. Sau này, khi đọc lại tác phẩm đó ta ngạc nhiên vì nhớ rằng khi đó ta mới mười một, mười hai tuổi, một ước mơ vời vợi, vì cái thời bao cấp ấy mỗi bé gái mười ba tuổi trở lên một năm mới được một mét vải đen để may quần...
  Khi đọc cuốn Thằng gù ở nhà thờ Đức bà thì ta lại nhớ chi tiết cái bình hoa nứt nẻ. Khi đọc Đồi gió hú thì ta lại nhớ nhất cái chi tiết gã Heathcliff mở toang cánh cửa sổ, mặc cho gió lồng lộng buốt tê cóng và ngây dại, dịu dàng gọi hồn ma của Catherine....

  Mỗi chi tiết nhỏ cũng đều làm lên hơi thở của cuốn tiểu thuyết nhưng đôi khi ta tự hỏi vì sao ta lại chọn những chi tiết ấy mà nhớ, liệu có phải nó thật sự đáng nhớ hay chỉ vì ta cảm giác như cũng đã nhìn thấy, nghe thấy , cảm thấy ở đâu đó, khi nào đó không biết nữa. Nhưng thực sự những chi tiết vụn vặt trong những tác phẩm kinh điển thường rất ám ảnh và đáng nhớ.
   

Không có nhận xét nào: