Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Chân dung chủ quán

ĐIÊU ( Thị Hến)

Khi em nói rất yêu anh
Đong đưa cao lắm nho xanh vẫy chào
Im đi này chú chào mào
Để người ta với khi nào mỏi tay

Khi em nói đã ngất ngây
Lúng la lúng liếng tình say say tình
Có con kiến cắn giật mình
Im nào để chị đi rình của chua

Khi nào em nói dạ thưa
Theo anh chẳng quản nắng mưa bão bùng
Chích chòe há miệng ngập ngừng
Chị đừng bá láp, chị đừng lừa giai

Khi em nói em rất tài
Anh tin sái cổ chạy dài theo em ...    hihi

XẤU ( Thị Nở )

Mắt bồ câu con bay con đậu
Lườm nguýt anh yêu dấu thẹn thùng
Tóc bù tổ quạ rối bung
Nhuộm tím ánh đỏ ngập ngừng gió bay
Chổi xể quét vệt lông mày
Má đôi bánh đúc dày dày làm duyên
Mũi dọc dừa đổ xiên xiên
Miệng toe toét lại thâm đen quả cà
Răng cải mả mọc lìa chìa
Người ngắn một mẩu chân đi vòng kiềng
Thế mà trăng vẫn phải nghiêng
Thế mà vẫn có một riêng Chí Phèo...    Haha

ƯƠNG DỞ ( Thị Mầu)

Chiếu đời chưa lần thơm sạch
Tiếng cười giòn vang khanh khách tỉnh say
Mang tình ra cửa ngồi bày
Lẳng lơ một vạt áo bay hững hờ
Quân tử nào có mà chờ
Dăm ba kẻ cắp, dại khờ vài anh
Mắt môi thừa thãi vẩy vung
Trời bao nhiêu gió gom cùng mà chơi 
Đánh chuyền đánh chắt với giời
Trăng khuya nghén rụng tình ơi là tình... Hờ hờ

SẦU SẦU ( Thị Kính)

Nhiều lúc muốn kêu thấu cả trời
Cha mẹ sinh em trót lỗi thời
Hoàng hậu cung son đà chiếu mệnh
Đến giờ em vẫn thường dân thôi
Xuống tóc đi tu em chả dám
Bởi lỗi rằng em vốn ham vui
Thôi đành em cứ là em vậy
Sầu sầu oan ức giống bao người .... Hừ hừ








Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

ĐƯỜNG TRẦN

Con đường quen mỗi lần về vẫn lạ
Sỏi đá răm sắc lạnh với gập ghềnh
Gót chân son hằn bỏng rát vết trần
Cười ngạo nghễ dằn nỗi đau lên ngực
Đêm dài thế cơn cớ gì thao thức
Hoang lạnh này đâu lỗi tại dế giun
Mượn ánh trăng tắm rửa sạch linh hồn
Cởi bỏ hết lớp xiêm y rạng rỡ
Ngỡ đã quen đủ ngàn lần vụn vỡ
Điềm nhiên về nhận lại một vết thương
Thèm quỳ gối úp mặt xin độ lượng
Ước tầm gai nở một đóa vô thường

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

TỤC NGỮ @

     
Không đầy được để mà vơi
ếch ngồi đáy giếng phán trời bằng vung

    Thóc lép rơi vãi tứ tung
gà què ăn quẩn xin đừng vênh vang

    Giậu thưa cố bám thẳng hàng
tự mình xiêu đổ tội giàn bìm leo

    Tắt ngang phải giấu như mèo...
thối um đổ tại mỡ treo nên thèm

   Cò khôn chớ đậu cành mềm
dại khờ mò mẫm ăn đêm ngã nhào

   Bầu muốn thương bí cớ sao
chung giàn mà lại thấp cao sang hèn

   Có công mài sắt chẳng nên
dù che, ghế đỡ, đút tiền ...rạng danh

   Người ơi ngoảnh mặt sao đành
đinh ngỡ còn đóng tan tành ván trôi

   Ở đầy sao vẫn gặp vơi
ở hiền, lành vẫn rớt rơi chốn nào
......

Đêm mất ngủ biết làm sao
xiên xẹo đôi chữ tiêu dao đỡ buồn

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Gió

Đừng tinh ngịch thế gió
tóc ta rối mất rồi
tóc ta mềm như cỏ
lùa mơn man à ơi

Đừng dịu dàng thế gió
phớt hôn bờ môi ngoan
đêm khuya rồi lạnh lắm
đừng rủ ta lang thang

Đừng lả lơi thế gió
ve vuốt nuột nà vai
vội vàng về ngang ngõ
kể chuyện chi dặm dài

Đừng hoang đàng thế gió
rong chơi không cửa nhà
một ngày nào có mỏi
hãy trở về bên ta

Đừng dỗi hờn thế gió
vùng vằng cuốn lá bay
ta vỗ về ôm ấp
dỗ dành chiều heo may

Đừng im lìm thế gió
ta sẽ cuống quýt tìm
Gió không còn là gió
khi u buồn lặng im

Đừng thở dài thế gió
xào xạc tim ta đau
trái tim ta bé nhỏ
chẳng giữ nổi gió đâu

Đừng đa tình thế gió
ai gió cũng gọi mời
nhẹ nhàng ta khép cửa
gió phiêu bạt trùng khơi 

...



Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Gió mùa

   Gió mùa
   Cơn gió mùa đầu tiên của năm, vẫn vậy thôi mà sao nghe trong người khang khác, chùng xuống, vẩn vơ.
  Tại trời, tại đất, tại cơn gió se se, tại cả con chuột nữa. Mình lẩm cẩm mất rồi.
   Cái sân thượng nhỏ thôi nhưng cũng cố trồng vài cây cảnh cho nó có chút màu xanh, cho nó đỡ cằn cái tâm hồn vốn đã quá cằn. Làm gì có thời gian để chăm chút tỉa tót cho cây, chỉ mỗi ngày tưới cho chúng ít nước máy, mấy cây tuy cằn cỗi như cái tâm hồn mình nhưng cũng có lá, có hoa. Vậy mà có kẻ ngu si, láo toét lại phá mất, không những vặt trụi lá của mấy cây Trúc quân tử, cây Tùng xà mà còn phá nát cả đám hoa Nguyệt quế đang trổ hoa thơm lừng nữa chứ, từng đám hoa trắng muốt tả tơi, héo rũ như khóc. Thế này thì điên quá, điên không thể nào chịu nổi được nữa. Chiều nay đi làm về quyết định sẽ triệt cho chúng chết hết đi khỏi phá hoại. Keo dán... hù...sẽ cho chúng mày biết tay...
   Loay hoay tìm chỗ để đặt tấm keo dán bỗng rủn cả người, run cả tay vì mấy tiếng chít ... chít ... yếu ớt. Lò mò về phía tiếng kêu ở góc sân thượng. Trời ơi hóa ra lá khô, lá tươi và cả hoa nữa kẻ phá hoại đã tha về đây từ lúc nào, kết thành cái tổ và từ đó đang phát ra những tiếng kêu kia. Điên quá mình xăm xăm vớ lấy cái chổi, xẻng và túi ni lon, nhưng tiếng kêu nho nhỏ, yếu ớt lại rớt ra run rảy... Mình ngồi phệt thừ người ra chẳng còn biết làm gì nữa. Chắc là nó còn đỏ hỏn, chắc là nó chưa ăn được gì, chắc là nó đói, chắc là nó... rét. Trời ạ! Mình biết làm gì đây... chắc là đi kiếm cái áo cũ đắp thêm vào đó ...
    Tại gió mùa, tại trời, tại đất hay tại con chuột chết tiệt kia tự nhiên cảm thấy hoang hoải đến tận chân tóc, lẩn thẩn tự hỏi : " rồi những con chuột kia sẽ lớn lên, sẽ phá phách, đến lúc đó mình có tức khí, có đùng đùng đi mua keo dán hay bẫy không nữa....
   Nhớ hồi năm ngoái, có một con chuột chắc là cũng từ sân thượng lọt xuống dưới nhà, nó phá phách kinh khủng, một buổi chiều mình nhìn thấy nó chui tọt vào phòng của con gái, sau một hồi gõ, chọc rượt đuổi vã mồ hôi mình đã lừa được con chuột chui vào túi nilon, sướng quá đang cười tít mắt bỗng nghe thấy tiếng con gái sau lưng: " Mẹ đừng giết nó". Mình sững người, cái con chuột này đã từng cắn đứt dây máy tính của con gái, đã từng cắn nát cả gói bánh con chưa kịp ăn.... Nhìn con gái mắt ngân ngấn bỗng thấy mình ác. Nhưng chẳng lẽ lại thả con chuột ra ngoài đường, nó sẽ lại sang phá phách nhà hàng xóm. Nghĩ mãi, cuối cùng đành cho con chuột vào ba lần túi nilon buộc kỹ quai túi lại rồi vứt vào xe rác, chắn chắn đến 90% là con chuột sẽ chết trừ phi... nhưng thôi điều đó cứu rỗi cho con gái và cho cả chính mình.
  Tuổi thơ, cái tuổi đôi mắt chưa vẩn bụi bao giờ, cái tuổi tâm hồn trắng trong như giấy mới, cái tuổi thương yêu tất thảy và chưa biết đến hai từ thù hận... Ừ, mình đã đánh rơi rớt từ khi nào nhỉ, đó là cái giá để khôn lớn chăng....Bỗng thấy ứa nước mắt thương con, ở thành phố, bị giam giữa những bức tường chật hẹp, một bước là ra đường với ô tô xe máy hỗn loạn. Cái góc nhỏ bé, thánh thiện trong tâm hồn nó liệu còn giữ được bao lâu. 
   Nhớ hồi con gái lên bốn năm tuổi, một lần dắt con ra chợ nó nhìn thấy đàn vịt con líu ríu vàng ươm như những nắm bông gòn, nó sáng cả mắt cứ ngồi phệt xuống xin mẹ mua. Nhà mình thì lấy đâu ra chỗ mà nuôi nhưng thương con mình cứ mua đại ba con. Con gái sung sướng thả lũ vịt con vào chậu tắm cho chúng bơi rồi mê mải ngắm nghía, toe toét cười. Nhưng không hiểu sao mấy con vịt không chịu ăn, thế là lần lượt từng con chết. Mình khốn khổ vì mỗi lần vịt chết là mỗi lần con gái khóc, nó giấu giếm lủi nhủi mếu máo, sụt sịt làm mình càng ân hận vì đã không lường trước, nghĩ là làm con vui mà hóa ra...Đến con vịt cuối cùng mình để vào cái giọ xe đạp phơi ngoài nắng cho ấm ( vì mùa đông) chắc là đồng nát đi qua lấy mất cả giỏ xe và con vịt làm con gái lại rấm rức...
   Khi con lên mười mình xin một con mèo về nuôi, nhưng rồi không hiểu sao con mèo cũng bị chết, chắc vì bé quá mặc dù đã đổ cả sữa cho mèo uống mà cũng không cứu được.
   Có một buổi chiều đi học về thấy mình đang cắt tiết con gà, mặt con gái tái mét, con gái khóc và nức nở, hỏi một câu như tòa án : " sao mẹ lại giết nó!". Từ đó mình không bao giờ làm thịt gà nữa, chỉ mua rồi " xui" người khác làm. Thấy lòng bình an hơn... 
   Nói chung là mình không có tay nuôi con vật, có lần mình nuôi lọ mẻ để nấu các món ăn, con gái tò mò hỏi mẹ cái gì đấy, mình chỉ vào lọ mẻ và giải thích cho con đó là các vi sinh vật lên men, mẻ cũng sống cũng ngọ nguậy... Con gái thở dài sượt một cái và tuyên bố : " nhà mình nuôi được mỗi con mẻ". Trời ạ !....
  Hay là mình lấy cái lồng mèo bỏ không kia cho lũ chuột con vào đấy, lót cho chúng ấm áp và hàng ngày mang cơm cho chúng ăn... biết đâu... mình cũng nuôi được ... Hù... Điên quá... buồn nữa... Tại gió mùa...
  
  
  


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

MÙA SANG

Giật mình ngọn gió se se
Heo may như thể vừa về qua đây
Hanh hao lướt nhẹ vai gầy
Mỏng manh khăn lụa bay bay điệu đàng
Lặng len len gót khẽ khàng
Thu đi sót chiếc lá vàng níu chân

Mơ hồ rớt tiếng chuông ngân
Quen quen lạ lạ thoáng gần chợt xa
Gác nhỏ nghiêng mái lô xô
Trầm trầm phai nét - mờ mờ chiều buông
Nhớ gì mà dạ vấn vương
Quanh co lạc bước phố phường... mùa sang



Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

QUÀ

Tôi có quà !!!
Một bưu phẩm to và nặng .
Lý do gì nhỉ, sinh nhật thì còn lâu mới đến mà có sinh nhật đi nữa thì cũng đã bao giờ được quà, mà lại là một món quà đẹp như mơ, chưa biết trong đó có gì nhưng hộp cứng, giấy bọc lụa hoa, thắt nơ hồng. Ôi!...
Tôi ngạc nhiên thích thú, tôi hân hoan vui sướng, tôi tò mò và cuối cùng là tôi hoang mang. Lạ !...
Hay là nhầm, tôi loay hoay. Địa chỉ người gửi không có, địa chỉ người nhận : Gửi tới một nửa yêu thương. Trời!...
Ai mang tới nhỉ, không phải người chuyển phát nhanh, rõ ràng tôi là người nhận, bưu phẩm cũng không có dấu của bưu cục. Ai?...
Tôi thường có thói quen nhìn xoáy vào mắt người lạ lần đầu tiên gặp mặt. Đôi mắt người đó đâu, không có, không tồn tại trong trí nhớ, tại sao lại không có mắt?. Vậy thì phải có một chút gì đó chứ... hình như, hình như có bàn tay... Ờ, hình như bàn tay đàn ông nhưng lại trắng nõn nà... trắng đến thấy từng mạch máu và ... hình như máu đang phập phồng chảy... hình như màu xanh... Tôi ơi !...
Tim tôi loạn nhịp, tôi đúng là chủ nhân của món quà. Vậy thì tôi phải đích danh mở. Run!...
Một lượt sa tanh hồng... một... tôi chạm khẽ đầu ngón tay... lạnh buốt... Tôi chạm khẽ môi .... tan chảy ... những giọt nước trong veo  rơi xuống tí tách, tí tách  loang thành vũng nhỏ rồi loang dần ... Bàn chân rồi lan dần lên đầu gối, đùi non...Lạnh !...

MỘT CÁI HÔN ĐÔNG LẠNH !

                                       *

Tôi giật mình, chân tay lạnh. Ngoài cửa sổ mưa đang rơi, ướt sũng một nửa giấc mơ tôi. 
Chiếc đèn bàn vẫn sáng và bên cạnh đó là cuốn truyện của nhà văn Y Ban : " đàn bà xấu thì không có quà" vẫn đang được mở ở trang 46...





Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

CƠI ĐỰNG TRẦU

1- ĐẮM

Biết tràn dâng cơn bão
Biết biển động tơi bời
Mong một lần được đắm
Giương buồm em ra khơi

2 - SON

Đánh dấu ngày bằng màu son môi
Hôm qua hồng sen, hôm nay đỏ rực
Đánh dấu đêm bằng nụ hôn chất ngất
Tô màu môi đẫm từng giọt ban mai

3- KHẾ

Vàng ươm từng rãnh khe
Hứa hẹn mùa ngon ngọt
Đung đưa tận cành cao
Hỡi ôi chua với chát

4- CÂY BÀNG

Gom tất cả nắng hè
Tự đốt cháy mình những ngày đông ấy
Để sớm xuân nay bừng thức dậy
Ngỡ ngàng một vòm lộc biếc xôn xao


5- KHUNG

Thảo nguyên xanh ngát tận chân trời
Cỏ cây hoa lá xuân thắm tươi
Giới hạn trong chiếc khung vàng lộng lẫy
Trang điểm làm sang cho góc phòng khách chật hẹp mà thôi

 6- KHÓC

Nếu một ngày trời không còn mưa nữa
Trái đất điêu tàn hoa lá hết sinh sôi
Nếu một ngày em không còn biết khóc
Chết cuộc tình và khô khát đời tôi

7- GÓA

Chòng chành như nón không quai
Như đèn không bấc, như gàu không dây
Rượu chưa uống đã vờ say
Gió đông chưa nổi buông tay rớt diều

8- LIỄU

Chí làm trai xẻ núi lấp sông
Phỉ sức lưu danh nợ tang bồng
Liễu yếu đào tơ khuê phòng ẩn 
Chỉ một sợi tóc thế là... xong


9-  THIÊN ĐƯỜNG MÙ

Trái cấm địa đàng ta đã trót
Chúa trừng phạt đày cõi trăm năm
Sông mê đắm chứa chan dịu ngọt
Nơi trần gian có một thiên đường










Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

NƯỚC MẮT

Xoảng...
- Cút, cút ngay cái đồ lăng loàn, đánh đĩ theo trai...
- Anh có quyền gì mà đuổi tôi
- .....
   Tôi chợt rùng mình ớn lạnh, một chút thảng thốt thoáng qua, một sự run rảy như từ trong tiềm thức dội lại.Khẽ co người như một phản ứng tự vệ, tôi gỡ cặp kính, hất mái tóc và đứng dậy bước về phía cửa sổ, như để tránh một ảo giác, một ám ảnh từ lâu, bỗng chốc trở về trong tâm tưởng.
  Và tôi nhìn thấy nó. Nó rúm ró nép người vào khoảng tối của bức tường trước cửa, đôi mắt mở to kinh hãi, từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh. Tôi vội vàng chạy ra, quỳ xuống ôm lấy đôi vai đang rung lên của nó. Chỉ một thoáng thôi cũng đủ để tôi cảm nhận được hết nỗi đớn đau từ con bé. Tôi ghì lấy cả thân hình bé nhỏ run rảy, rã rời xót xa. Con bé nhào vào lòng tôi nức nở:" Cô ơi, bố mẹ con có bỏ nhau không?... Con sợ lắm!".
  Nó hay chính tôi - Cái con bé mới lên năm ngày ấy, cũng lẩy bảy tội tình như vầy. Cũng luôn giật mình thon thót trước những trận cãi vã, xô xát ... và kết thúc là những giọt nước mắt của mẹ, những trận say của cha trong căn nhà lạnh lẽo vì không còn một giọng nói tiếng cười. 
                                          *
                                    *           *


  Cuối cùng thì điều mà tôi sợ hãi nhất cũng đã đến. Mái tóc xõa dài của mẹ phủ xuống mặt cùng những  giọt nước mắt âm ấm rơi trên má tôi. Mẹ thì thào giọng lạc đi lẫn trong tiếng nấc:
  - Huyền!... Mẹ...Xin lỗi con...Hãy tha thứ cho mẹ!.
  Cho đến nhiều năm sau, một câu hỏi cứ luôn trở lại ám ảnh trong tôi:" tại sao mẹ lại không chọn tôi, vẫn biết rằng em tôi còn bé dại, nhưng tôi là con gái, tôi cần mẹ biết bao!".
  - Mẹ!...- Tôi đã hét lên trong mơ khi con tầu xình xịch đưa tôi và bố rời xa miền Bắc, rời xa tuổi thơ của tôi...
  - Mẹ...mẹ...mẹ...Tôi đã gào khản giọng trong cơn sốt nóng hầm hập....
  - Mẹ! Tiếng kêu tắc nghẹn trong cổ , má tôi bỏng rát hằn đỏ năm ngón tay vì cái tát của bố !!!...
   Đó là tiếng gọi mẹ cuối cùng. Cho tới sau này cứ mỗi lần nghĩ đến mẹ là má tôi lại rát bỏng. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi biết khóc. Sau này mỗi khi đau đớn, tủi thân thay cho những giọt nước mắt trào ra, mắt tôi nóng rực, nhức nhối. Những giọt nước mắt chầm chậm rơi ngược vào trong tim làm tôi ngạt thở. Tôi bậm môi lại đến bật máu. Rồi dần dần tôi cũng chế ngự , điều hòa được mọi cảm xúc.Trái tim non nớt cũng nguội dần.
   Không còn được mỗi tối tranh nhau với em rúc vào lòng ấm áp của mẹ để chìm vào giấc ngủ. Không có vòng tay âu yếm với lời đánh thức ngọt ngào;" Dậy đi, con mèo lười của mẹ...". Để cảm nhận mẹ mềm,ấm và thơm rồi lơ mơ tỉnh dậy mỗi buổi sớm mai...Tất cả đã lùi xa, thay vào đó là tiếng reng reng của chiếc đồng hồ báo thức,luôn làm tôi giật bắn mình. Lồm cồm bò dậy trong tiến làu nhàu, giục giã của bố, tôi tự lo hết mọi việc cho bản thân, từ đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, ăn sáng, soạn sách vở... Bố đã rèn cho tôi một cuộc sống tự lập từ khi tôi bắt đầu cắp sách tới trường. Không hờn dỗi, không nũng nịu, không khóc, ít cười. Hình như tôi có nét gì đó không giống tất cả bạn bè cùng lứa tuổi.
  Ở với bố, dường như giới tính của tôi cũng thiên lệch.Tóc của tôi luôn ngắn đến mức tới không thể ngắn hơn được nữa với lời giải thích của bố :"Cho gọn và mát". Còn quần âu và áo phông luôn là lựa chọn duy nhất vì:"Khỏe và tiện lợi mặc lúc nào cũng được". Từ đi học đi chơi đến đi ngủ. Bởi lẽ đó bạn bè trong lớp thường gọi tôi với biệt danh: "Huyền tám vía". Tôi cũng tự cô lập mình, không hòa đồng với các bạn gái khi cùng bình phẩm một kiểu áo mới, một mái tóc đẹp hay tụ tập cười đùa khúc khích bàn luận về một anh chàng nào đó. Nhưng bù lại tôi có thể tự hào với thành tích học tập luôn đứng đầu lớp và với vài ba quyển sách dạy nấu ăn tôi đã có thể tự đi chợ và chế biến rất nhiều món ăn ngon mà các bạn "chín vía" của tôi bó tay.
  Bố tôi đi lại với vài cô nhưng rồi cũng chẳng lấy ai. Nhiều người bảo tôi may mắn vì không phải sống cùng mẹ ghẻ. Nhưng không ai biết một nỗi sợ hãi luôn bám riết lấy tôi đó là sợ bóng tối. Tôi có thói quen ngủ không tắt đèn vì trong ký ức của tôi luôn bị ám ảnh vì những ý nghĩ không đầu không cuối mỗi khi buổi tối bố về nhà muộn. Khi ấy căn nhà nhỏ có mình tôi bỗng trở nên bí ẩn, mỗi góc tối lại như có những con mắt đang nhòm, và sau lưng như thoảng có hơi thở của ai đó. Còn dưới gầm giường hình như có con gì đang bò...Và tôi mệt nhoài thiếp đi với nhưng cơn mơ hoảng loạn. Không ít lần bố tôi đã hốt hoảng vì lúc về đến nhà thấy cả người tôi ướt sũng như tắm trong tấm chăn khi nhiệt độ ngoài trời đến ba sáu, ba bảy độ.
  Vào đại học năm thứ hai thì bố đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Tôi đau đớn ngất đi, tỉnh lại bao lần, nghe bác hàng xóm chép miệng:"Tội nghiệp con bé, mất mát lớn quá không khóc nổi nữa". Có cô cùng cơ quan với bố ôm lấy tôi mà bảo:"Con khóc đi cho vơi bớt, khóc được con sẽ thấy nhẹ nhàng hơn". Tim tôi như muốn vỡ ra ngàn mảnh. Nhưng nước mắt vẫn không thể chảy ra được.
  Nghe tin dữ, mẹ vội bay vào với tôi. Gặp tôi, mẹ ôm riết lấy mà khóc, không biết mẹ khóc vì bố hay vì tôi. Mẹ khuyên bảo, cầu khẩn rồi van xin tôi trở ra Bắc sống với mẹ. Nhưng lòng tôi đã quyết không gì lay chuyển nổi. Tôi gửi trả lại tất cả số tiền mà mẹ gửi vào cho tôi. Mẹ không thể nào bù đắp lại cho tôi một tuổi thơ bơ vơ, buồn tủi, không thể nào tìm lại cho tôi giọt thương, giọt nhớ, tiếng khóc, nụ cười mà đứa trẻ nào cũng cần phải có để lớn lên. Hơn mười năm qua nỗi khát khao về một vòng tay yêu thương của mẹ, để cảm nhận một lần nữa mẹ :"Ấm, mềm, thơm". Đã mãi mãi chỉ là một ảo ảnh trong những giấc mơ của tôi về mẹ.
  Cuộc sống tự lập bố đã rèn cho tôi từ bé đã giúp tôi trụ vững giữa những đổ vỡ, mất mát. Dù vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền.Tôi vẫn tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu.
  Giờ đây đã hơn ba mươi tuổi với một công việc có thu nhập cao mà nhiều bè bạn cùng trang lứa phải mơ ước. Một mẫu chọn vợ lý tưởng của bất cứ chàng trai khó tính nào thì tôi vẫn đi về một mình một bóng với nhiều lời bóng gió sau lưng "Kiêu quá" hoặc "lạnh như băng". Có người sau một thời gian theo đuổi đã nói thẳng vào mặt tôi:"sao mà đến nụ cười em cũng phải tiết kiệm đến vậy". Và tôi được nhận thêm một biệt hiệu"Sao Băng"...

                                           *
                                    *            *

  Con bé đã ngủ, cuộn tròn trong lòng tôi. Những giọt nước mắt khô dần trên đôi má bầu bĩnh, nhưng hàng mi cong cong thì vẫn lay động. Trong giấc ngủ không sâu, không trọn vẹn, thỉnh thoảng nó lại giật mình thảng thốt ôm chặt lấy tôi. Hồi ức trôi bồng bềnh về quá khứ với tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo như những viên pha lê của tuổi bé thơ tôi, nụ hôn ngọt ngào sớm mai của mẹ, mái tóc xõa dài thoảng mùi lá xả...Mềm, ấm, thơm...Con bé  giật mình ôm choàng lấy tôi hét lên:"Mẹ!" Những giọt nước mắt lăn dài lăn dài...Mẹ...Mẹ ơi!. Trái tim tôi vỡ òa, nức nở nghẹn ngào thốt bật câu gọi đã kìm nén suốt hai chục năm qua. Nước mắt con bé và nước mắt tôi hòa vào nhau âm ấm.

  Bao năm qua đau đớn, buồn tủi đã làm nước mắt tôi khô cạn.Nhưng giờ đây tất cả nhòa đi , tôi đã khóc bằng những giọt nước mắt của yêu thương.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

VÁ EM VÀO...

Rút xiên nắng lơ mơ ngái ngủ
lựa vuông đêm còn đẫm giấc ngoan hiền
vuốt phẳng phiu chọn so màu ươm ướm
đồng chất đồng màu lạ sẽ nên quen

Nhẹ nhàng miết ngón thon vào êm ái
se sẽ luồn từng mũi khít đều nhau
Nâng niu dẫu da xước trầy rớm máu
cho liền lại mọi nỗi thương đau

Ngày sẽ đến rộn ràng tươi mới
chỉ vuông đêm là cũ trước bình minh
thương yêu tảo tần cũng là điều đã cũ
sớm nay vụng về em vá em vào anh



Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

BÌNH YÊN


                                                   Hai vị cha già của dân tộc



Thu vàng rưng rưng nắng
cờ đỏ rợp trời mừng ngày Thủ Đô giải phóng
giữa rừng cờ sao ngỡ dải tang bay
chúng con gọi tên người
chúng con ngắm di ảnh người
lặng lẽ
hàng xà cừ trầm mặc cúi đầu làm đội quân danh dự
rầu rầu từng ngọn cỏ nhành cây
bình yên bình yên ru người giấc ngủ say
về đây, cùng về đây
chúng con nghiêm trang xếp hàng như chờ người điểm danh trước giờ ra trận
một giây phút được làm người lính trong đội quân hùng mạnh
của người
triệu triệu con tim thổn thức
cha ơi !






XÓM BÃI SÔNG


Đất thành phố tính bằng cây bằng vé
Nên bãi nổi giữa sông Hồng thành đất trời cho
Mấy vách liếp quây cũng thành một căn nhà
Gió sông rười rượi mát hơn quạt máy
Những đứa trẻ lên năm lên bảy
Hồn nhiên giữa đất trời khét cháy làn da
Dăm luống rau xanh vài chục gốc cà
Mớ cá sông : con nhỏ ăn - con to đem bán
Cùng cảnh ngộ kết anh em bè bạn
Một cút rượu cả xóm uống chung
Chục nóc nhà túm tụm một bãi sông
Neo đậu những mảnh đời cơ nhỡ
Qua một con đê sáng lòa đèn phố
Ồn ào tấp nập phú quý giàu sang
Sông nước bao la nhỏ bé những ước mong
Con lớn khôn, vợ vơi bớt nhọc nhằn
Bấm đốt tay tính ngày đoạn tháng
Ngẩng đầu vời vợi ngó trời chang chang nắng
Lại ngẩn ngơ ngoái trông mảnh vườn nhà
Bí đang ra nụ - bầu sắp trổ hoa
Không chốn nương thân  - đời dâu bể
Buồn rưng rưng - ừ đâu phải dễ
Bấp bênh tạm bợ, chẳng phải là quê
Lũ bỗng đâu sồng sộc tràn về
Nước cuồn cuộn cuốn phăng cây trái
Cột nhà xiêu, gió ào ào tốc mái
Chỉ còn những soáy nước đỏ đục ngầu
Cha con , hàng xóm dắt díu nhau
Mắt ngân ngấn mỗi người một nẻo
Dùng dằng sớt cho nhau cân gạo
Tan tác rồi còn có gặp lại nhau ...

Trời chẳng thể cho không một mảnh đất đâu
Giữa thành phố đất tính bằng cây bằng vé

" Khi con lũ tràn về , đứng trên triền đê sông Hồng nhìn ra bãi nổi, cảnh tan tác làm lòng đau nhói nhói , cuộc đời nổi trôi của những kiếp người".

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

HÀ NỘI PHỐ

   Hồi cấp ba, thầy chủ nhiệm của chúng tôi là một thầy giáo nhỏ nhắn, nước da trắng xanh, đôi mắt to buồn buồn, và đặc biệt là thầy nói rất nhỏ. Khi thầy giảng bài chúng tôi có lỡ nói chuyện riêng, thầy dừng lại, im lặng đứng đợi đến khi chúng tôi tự " suỵt" ra hiệu cho nhau giữ trật tự thầy mới lại tiếp tục bài giảng. Cho đến một ngày thầy ốm, đến thăm thầy chúng tôi mới chợt hiểu. Nhà thầy nằm trong một con ngõ ở phố Hàng Đào. Con ngõ nhỏ đến mức người đi ở đầu ngõ phải chờ người cuối ngõ ra thì hãy đi vào, bằng không để tránh nhau, nếu là một nam một nữ thì cố gắng co người lại cũng khó có thể không bất nhã, vì chút va chạm này nọ. Nhà thầy là một căn phòng không thể nhỏ hơn nữa, chỉ kê được một chiếc giường, một cái tủ nhỏ và một cái bàn học, tất cả đều tôi tối, âm ẩm vì chưa khi nào được một ánh mặt trời rọi tới, chiếc bóng đèn vàng vọt rọi suốt cả ngày lẫn đêm....Hơn chục đứa học trò nghịch như quỷ chúng tôi ra khỏi nhà thầy lâu rồi vẫn không ai nói gì, như thể bị nuốt mất lưỡi vậy. Tự nhiên từ hôm đó vào giờ học của thầy, cả lớp im phăng phắc, giỏng tai cố nghe lời giảng khẽ khàng của thầy.
    Tôi có một người bạn học nhà ở phố Hàng Chiếu. Ngày nào nó cũng đi học muộn, không nhiều chỉ chừng vài phút thôi, có lần bực quá tôi bảo nó: " đằng nào cũng muộn, muộn hẳn cho tôi nhờ !", nó gãi đầu gãi tai nhăn nhó:'' Thì không đi sớm hơn được". Tìm hiểu mãi tôi mới biết nguyên do và không khỏi vừa tức, vừa buồn cười. Thì nhà nó cũng ở phố cổ nhưng không phải ở hang chuột phía dưới mà là cái chuồng chim cu ở phía trên, nhà nó chơi vơi ở giữa lưng chừng trời, vì cụ nó có cái nhà ở mặt phố, chia cho hai ông và một bà của nó, rồi lại chia cho bố, chú, bác, cô dì... đến thế hệ nhà nó thì ... bay dần lên cao. Nhưng do ở phố cổ nên không được phép xây cao, ai cấp phép cho, thế là cứ cơi nới thành các chuồng chim cu nhỏ nhắn, chang chang mùa hè và lộng gió mùa đông. À quên quay lại chuyện thằng bạn học và lý do đi muộn của hắn. Vì đối diện cái sân sang bên kia là nhà một cô bé, cũng ở trên cái chuồng chim như hắn, cô bé khá xinh và hắn cũng khá rung rinh. Từ ngày cô nàng mua đôi giày cao gót hắn như bị ám quẻ, cứ phải nghe đủ bốn mươi cái gõ guốc cốc cốc của cô bé từ trên cái chuồng chim xuống dưới sân, hay thấy cô thấp thoáng dắt cái xe đạp ra ngõ hắn mới thở phào phóng như ma đuổi đến trường, vì hắn luôn lo cô bé trật chân trên cái cầu thang lắt lẻo chỉ đủ vừa một cái gót son như thế... và luôn muộn vài phút vì trường hắn xa hơn, chuyện lãng xẹt vậy mà làm tôi nhớ tới tận bây giờ, mỗi khi nhớ tới cư dân phố cổ. Tôi nhớ có câu thơ " Nhốt anh vào nhịp guốc mộc ban trưa..." nghe thì thơ mà chẳng thơ tý nào.
  Thời bao cấp, cơm cặp lồng, nhà tập thể. Cái thời ai cũng giống ai, cái thời quần đùi chia hai, lốp xe một nửa (có nghĩa là cái gì cũng phân phối, cái gì cũng phải gắp thăm cho công bằng ). Có hai ông được phân cái dao cạo râu nhưng ông nào cũng chưa có nên quyết định dùng chung mỗi ông một ngày, may ngày đó chưa có bệnh "ết".  Cái gì cũng phải đóng mác tập thể, triệt để theo lời Bác dạy :" Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng ". Thế cho nên cái nhà tập thể là thèm muốn của không biết bao nhiêu đôi lứa, phải là thành phần cơ bản, có cống hiến, được xét duyệt qua không biết bao nhiêu cửa, bao nhiêu cấp để được sở hữu cái ước mơ cháy bỏng ấy, tuy không phải là quyền sở hữu hoàn toàn nhưng thuê của nhà nước với một cái giá như bèo. Đó cũng là những cái chuồng chim nhưng là chuồng chung như là khu gà công nghiệp vậy. Vậy nên : " xây cho nhà cao cao, cao mãi...". Khu Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Trương Định... ra đời đi cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Gia đình tôi cũng được phân một căn nhà như vậy. Chuyện về khu tập thể thì nhiều vô tận, như là đi vệ sinh thì phải đội nón, hay em tầng trên vừa hát vừa tưới cây thì anh tầng dưới đi cất ngay quần áo vào với cái lườm nghiêng trời lệch đất và không biết cơ man nào là những xích mích khiến mấy ông bà tổ dân phố cứ như con thoi từ nhà này sang nhà khác để nghe trình bày và hòa giải. Nhưng cũng lắm thương yêu, ngọt ngào mà giờ đây khi đã xa rời nơi ấy thỉnh thoảng lại lỡ miệng : " cái hồi ấy...".
   Hết bao cấp, làm ăn thoáng, cái lệch giữa người giàu kẻ nghèo ngày càng rõ, có kẻ thì vẫn ôm ấp mơ ước cái nhà tập thể đến rụng răng bạc tóc chưa xong, nhưng cũng có kẻ chẳng mấy chốc làm vài hợp đồng, đăm dự án đã vila nhà lầu. thế là phố có thêm những khu mới, những biệt thự sang trọng hàng rào bao quanh, có khi còn róc rách nước chảy, non bộ , cây kiểng. Có những người làm sang còn bê nguyên bản thiết kế từ tận châu âu về , mái nghiêng, mái ngửa, vòm cuốn, cửa chớp sáng choang, cứ nháo nhào mạnh ai nấy làm. Đủ loại gu, đủ loại phong cách khác nhau. Người trung trung thì kiếm vài chục mét làm nhà hình ống, cái thò ra, cái thụt vào, có tiền thì năm sáu tầng , ít tiền thì hai ba tầng. Mặt tiền phố nhỏ, ngõ lớn cho thuê tất, đèn xanh đèn đỏ, biển hiệu giăng giăng. Nhưng áp ngay cạnh đó lại là những khu nhà ổ chuột do dân tứ chiếng mặc nhiên nhảy dù chiếm những khoảnh đất thừa thẹo ví dụ như cạnh sông Tô quanh năm nồng nặc mùi thum thủm rồi một tấc không đi , một ly không dời, sinh con đẻ cái... Hay những khu dân nghèo, tiền ăn còn không đủ lấy đâu mà xây. Tôi có một người bạn làm phó trưởng khoa dạy trong trường kiến trúc nói thế này: " Một lũ ngu nhưng nó có tiền và mình phải vẽ theo trí tưởng tượng phong phú của chúng... ừ cũng phải, nếu lương nó đủ sống thì đã không phải đi vẽ thiết kế thuê cho những ... thượng đế ngu...
   Hà Nội mở rộng, làng xã lên cấp thành phường, thành phố. Người khắp các vùng miền lại được cơ chế thoáng là có quyền sở hữu và nhập hộ khẩu thì nhu cầu nhà càng cao, thời mở cửa là mở hết, mở toang . Từ các ông trong nước đến các ông nước ngoài đều có quyền đứng ra lập dự án xây nhà để kinh doanh. Thế là nhà tập thể cao cấp ( tên mới là khu chung cư ) ra đời. Thôi thì cũng đủ thể loại , nào là chung cư cao cấp, nào là khu tái định cư, nào là nhà ở cho người thu nhập thấp mọc lên như nấm sau mưa. Cầu thì nhiều lắm nhưng tiền không có nên cung hóa ra thừa, thế là đắp chiếu để đấy. Bởi nhà dành cho người có thu nhập thấp dù được ưu tiên vay ngân hàng, trả góp thì lương của đôi vợ chồng trừ ăn uống, học hành của con cái, trừ tất tần tật các khoản ốm đau, khóc cười thì mỗi tháng cũng phải dư ra gần hai chục triệu mới dám mơ. Mà ở nhà chung cư thì cũng tiện, sạch sẽ, dân trí cao... nhưng cũng nhiều cái dở, nhà nào biết nhà nấy, đóng cửa im ỉm. Khách đến tìm người nhà nếu chưa rõ thì phải hỏi bảo vệ dưới nhà cho kỹ không lơ vơ lên đó biết hỏi ai, vì hàng xóm có khi cũng không biết tên nhau. Phí các loại từ bảo vệ, đèn cầu thang, phí vệ sinh... mỗi tháng cũng từ vài trăm đến vài triệu . Ôi! Để có thể an cư mà lập nghiệp cũng thật khó thay.
   Chuyện về phố ( nhà ở phố) thì nhiều lắm nhưng kể nhiều quá e rằng các bạn lại bảo :'' Khổ lắm, biết rồi, nói mãi !". Nên thôi để khi khác mình sẽ kể chuyện khác vậy, ví dụ như chuyện về ăn , mặc chẳng hạn. Hẹn lại nhé....
   
  

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

HÀ NỘI NHỮNG MẨU CHUYỆN



Hà Nội. Nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó kỷ niệm, là nơi tôi gửi gắm bao tình cảm thân thương. Tôi luôn có ý định viết về nơi này nhưng vì khả năng hạn hẹp, chỉ dám viết những câu chuyện nho nhỏ vui vui, những khuôn mặt , những con người, một Hà Nội thanh lịch mà  xô bồ, ồn ã mà lắng trầm, hiện đại mà cổ kính....Ơi! Hà Nội của tôi

                                  BÀ BÁN NƯỚC CHÈ CHÉN

 Ai đã từng ở Hà Nội hoặc đã ghé qua Hà Nội không lạ gì với quán hàng trà chén hay có khi còn được gọi với cái tên cúng cơm rất mộc mạc là " quán cóc vỉa hè". Một góc phố, dưới một tàng cây xòa bóng mát liu riu. Một cái bàn thâm thấp ngổn ngang lọ kẹo lạc, kẹo dồi, singum, khay úp chục cái chén sứ, mấy bao thuốc lá. Xung quanh vương vãi dăm bảy chiếc ghế ghỗ hoặc ghế nhựa con con, và không thể thiếu đó là một chiếc điếu cày chạm trổ rồng phượng dài nửa sải tay. Chỉ đơn giản có vậy mà quán trà chén đã làm nên một nét văn hoá Hà thành. Từ xa xưa lắm Hà Nội đã có những quán trà như vậy.
   Chỉ với vài ngàn đồng tiền lẻ là có thể ngồi tọa hưởng ngắm đường phố, nhẩn nha nhấp chén trà đặc sánh nghi ngút khói, nhai thanh kẹo lạc, kẹo dồi giòn tan công cốc, hay rít điếu thuốc lá, thuốc lào nhả khói mơ màng, góp vài ba câu chuyện tào lao không đầu không cuối với người mới gặp lần đầu mà đã như là quen thân lắm. Cái thú đó không chỉ giành cho những kẻ" đầu trần, chân đất" hay mấy ông về hưu mà cả những chàng trai văn phòng, công sở, các ông trí thức "quần là áo lượt" và cả mấy ông văn nghệ sĩ. Không biết bao tác phẩm đã thai nghén, đã ra đời từ quán trà chén cỏn con ấy:
    "Quán cóc liêu xiêu vài câu thơ..."
  Phải chăng xuất xứ của quán trà chén của một góc phố phường Hà Nội cũng đều bắt nguồn từ quán nước dưới một khóm tre, một cây đa đầu làng, trên một dốc đê ở một miền quê nào đó. Và người Hà Nội thì cũng đều có nguồn cội từ một vùng miền nào đó, nơi cánh cò bay lả bay la hội tụ về. Sơ mi cổ cồn, giầy tây cũng chỉ giấu đi cái móng chân cáu vàng chưa phai hết màu...Quán nước khiêm nhường hơi có phần bệ rạc lại là nét đáng yêu còn giữ lại của Hà Nội một thời...
  Gần nhà tôi cũng có một quán trà như vậy. Chủ quán là một người đàn bà gầy gò, nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, bà luôn tay rót nước, tươi cười, mời chào vồn vã, có lúc còn dong chiếc quạt nan quạt phành phạch, góp chuyện rôm rả với khách uống nước. Một quán trà nhỏ nhoi vậy mà nuôi sống cả một gia đình, một ông chồng bệnh tật cùng ba đứa con nhỏ. Các con bà giờ đã lớn khôn, trưởng thành. Anh con cả đã làm "sếp lớn" ở đài truyền hình Việt Nam, nhà cửa đã xây cao ngất, nhưng bên hông nhà, một góc nhỏ, bà vẫn ngồi bên ấm nước trà, nụ cười móm mém hồn hậu vẫn nở trên môi, vẫn cái động tác vuốt vuốt từng đồng tiền lẻ xếp ngay ngắn cất cẩn thận vào túi áo. Có người độc miệng nói rằng các con giàu có mà không nuôi nổi mẹ để bà phải ngồi bán từng chén nước, nhưng nếu hiểu chuyệnmới biết các con cố chiều theo ý nguyện của mẹ. Hai cô con gái đã lấy chồng vẫn thường xuyên sắp xếp công việc về phụ giúp mẹ pha nước, rửa chén. Thỉnh thoảng rỗi việc bóp vai, nhổ tóc sâu cho bà. Còn anh con trai "xếp lớn" cũng có lúc giúp mẹ rót trà cho khách và cười thật tươi khi lỡ có ai đó... nhận ra mình.

  Những quán trà chén Hà Nội mãi vẫn mang một dấu ấn riêng, một nét văn hoá ẩm thực rất riêng, rất thi vị.Với một thành phố hiện đại, văn minh nhưng vẫn mang đậm truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó thì không thể thiếu một góc khuất nhỏ bé đáng yêu như thế ...

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

ẦU ... Ơ !

Đủ khôn ngoan
để không phải tan đàn xẻ nghé
đủ khờ dại 
để liếm mãi vết thương 
con mắt sắc dao cau cũng chỉ để bổ đôi những cái nhìn xiên
người đàn bà tẩm thuốc độc vào từng vần thơ giãy chết
tự lao mình vào giữa bụi mận gai
thổi bùng lên ngọn lửa chỉ để ngắm những tàn hoa bay mải miết
dắt mây về vắt kiệt
cầu mưa
kết kiệu hoa đón rước cầu vồng tô bảy sắc cơn mơ
...
Đêm đêm
lửa lụi 
trăng tàn
người đàn tự giải độc cho mình
bằng lời ru
ầu ơ...ầu ...ơ...!

ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Đừng nhìn xuống
hiện tại lầm cát bụi
đừng ngoái lại phía sau
quá khứ lắm chông gai
hướng về phía trước hướng phía tương lai
đủ ý chí, đủ niềm tin, nghị lực
đường hạnh phúc
ta dồn nhanh chân bước
thoát đói nghèo lạc hậu như cỏ dại rơm khô
bỏ lại những giáo điều như củi mục nắng mưa
quên lát sắn khoai cõng hạt cơm ngày giáp hạt
hài vạn dặm đưa ta nhanh chân bước
đừng ngoái lại
đừng nhìn xuống 
hãy ngẩng cao đầu
hạnh phúc còn chờ đợi phía mai sau
hãy bước tới
hãy bay cao
bay xa hơn nữa
...
Đôi hài rách ta mệt nhoài ngồi nghỉ
vục uống nước sông quê mẹ ngọt ngào
ngẩng nhìn lên, trăng vời vợi trên đầu
vầng trăng ngàn đời chưa cũ ...


Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

CẠN

Chiều buông thời đã cạn ngày
Xuân sang đông đã đong đầy buồn tênh
Xôn xao sông nước mông mênh
Cạn con đò nhỏ chênh vênh đợi chờ
Đắng lòng viết cạn bài thơ
Gửi vào ngọn gió hư vô ...tặng mình
Quay lưng cạn một chữ tình
Dối gian ảo ảnh vô hình mà thôi
Chia xa cạn ráo một lời
Nước trôi bèo nổi để rồi lãng quên
Tiếng thạch sùng cạn trắng đêm
Vầng trăng chết đuối giữa miền tịch liêu
Vì đâu cạn mất tình yêu?
Một mình nâng chén cạn chiều hoang vu.