Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

HÀ NỘI PHỐ

   Hồi cấp ba, thầy chủ nhiệm của chúng tôi là một thầy giáo nhỏ nhắn, nước da trắng xanh, đôi mắt to buồn buồn, và đặc biệt là thầy nói rất nhỏ. Khi thầy giảng bài chúng tôi có lỡ nói chuyện riêng, thầy dừng lại, im lặng đứng đợi đến khi chúng tôi tự " suỵt" ra hiệu cho nhau giữ trật tự thầy mới lại tiếp tục bài giảng. Cho đến một ngày thầy ốm, đến thăm thầy chúng tôi mới chợt hiểu. Nhà thầy nằm trong một con ngõ ở phố Hàng Đào. Con ngõ nhỏ đến mức người đi ở đầu ngõ phải chờ người cuối ngõ ra thì hãy đi vào, bằng không để tránh nhau, nếu là một nam một nữ thì cố gắng co người lại cũng khó có thể không bất nhã, vì chút va chạm này nọ. Nhà thầy là một căn phòng không thể nhỏ hơn nữa, chỉ kê được một chiếc giường, một cái tủ nhỏ và một cái bàn học, tất cả đều tôi tối, âm ẩm vì chưa khi nào được một ánh mặt trời rọi tới, chiếc bóng đèn vàng vọt rọi suốt cả ngày lẫn đêm....Hơn chục đứa học trò nghịch như quỷ chúng tôi ra khỏi nhà thầy lâu rồi vẫn không ai nói gì, như thể bị nuốt mất lưỡi vậy. Tự nhiên từ hôm đó vào giờ học của thầy, cả lớp im phăng phắc, giỏng tai cố nghe lời giảng khẽ khàng của thầy.
    Tôi có một người bạn học nhà ở phố Hàng Chiếu. Ngày nào nó cũng đi học muộn, không nhiều chỉ chừng vài phút thôi, có lần bực quá tôi bảo nó: " đằng nào cũng muộn, muộn hẳn cho tôi nhờ !", nó gãi đầu gãi tai nhăn nhó:'' Thì không đi sớm hơn được". Tìm hiểu mãi tôi mới biết nguyên do và không khỏi vừa tức, vừa buồn cười. Thì nhà nó cũng ở phố cổ nhưng không phải ở hang chuột phía dưới mà là cái chuồng chim cu ở phía trên, nhà nó chơi vơi ở giữa lưng chừng trời, vì cụ nó có cái nhà ở mặt phố, chia cho hai ông và một bà của nó, rồi lại chia cho bố, chú, bác, cô dì... đến thế hệ nhà nó thì ... bay dần lên cao. Nhưng do ở phố cổ nên không được phép xây cao, ai cấp phép cho, thế là cứ cơi nới thành các chuồng chim cu nhỏ nhắn, chang chang mùa hè và lộng gió mùa đông. À quên quay lại chuyện thằng bạn học và lý do đi muộn của hắn. Vì đối diện cái sân sang bên kia là nhà một cô bé, cũng ở trên cái chuồng chim như hắn, cô bé khá xinh và hắn cũng khá rung rinh. Từ ngày cô nàng mua đôi giày cao gót hắn như bị ám quẻ, cứ phải nghe đủ bốn mươi cái gõ guốc cốc cốc của cô bé từ trên cái chuồng chim xuống dưới sân, hay thấy cô thấp thoáng dắt cái xe đạp ra ngõ hắn mới thở phào phóng như ma đuổi đến trường, vì hắn luôn lo cô bé trật chân trên cái cầu thang lắt lẻo chỉ đủ vừa một cái gót son như thế... và luôn muộn vài phút vì trường hắn xa hơn, chuyện lãng xẹt vậy mà làm tôi nhớ tới tận bây giờ, mỗi khi nhớ tới cư dân phố cổ. Tôi nhớ có câu thơ " Nhốt anh vào nhịp guốc mộc ban trưa..." nghe thì thơ mà chẳng thơ tý nào.
  Thời bao cấp, cơm cặp lồng, nhà tập thể. Cái thời ai cũng giống ai, cái thời quần đùi chia hai, lốp xe một nửa (có nghĩa là cái gì cũng phân phối, cái gì cũng phải gắp thăm cho công bằng ). Có hai ông được phân cái dao cạo râu nhưng ông nào cũng chưa có nên quyết định dùng chung mỗi ông một ngày, may ngày đó chưa có bệnh "ết".  Cái gì cũng phải đóng mác tập thể, triệt để theo lời Bác dạy :" Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng ". Thế cho nên cái nhà tập thể là thèm muốn của không biết bao nhiêu đôi lứa, phải là thành phần cơ bản, có cống hiến, được xét duyệt qua không biết bao nhiêu cửa, bao nhiêu cấp để được sở hữu cái ước mơ cháy bỏng ấy, tuy không phải là quyền sở hữu hoàn toàn nhưng thuê của nhà nước với một cái giá như bèo. Đó cũng là những cái chuồng chim nhưng là chuồng chung như là khu gà công nghiệp vậy. Vậy nên : " xây cho nhà cao cao, cao mãi...". Khu Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Trương Định... ra đời đi cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Gia đình tôi cũng được phân một căn nhà như vậy. Chuyện về khu tập thể thì nhiều vô tận, như là đi vệ sinh thì phải đội nón, hay em tầng trên vừa hát vừa tưới cây thì anh tầng dưới đi cất ngay quần áo vào với cái lườm nghiêng trời lệch đất và không biết cơ man nào là những xích mích khiến mấy ông bà tổ dân phố cứ như con thoi từ nhà này sang nhà khác để nghe trình bày và hòa giải. Nhưng cũng lắm thương yêu, ngọt ngào mà giờ đây khi đã xa rời nơi ấy thỉnh thoảng lại lỡ miệng : " cái hồi ấy...".
   Hết bao cấp, làm ăn thoáng, cái lệch giữa người giàu kẻ nghèo ngày càng rõ, có kẻ thì vẫn ôm ấp mơ ước cái nhà tập thể đến rụng răng bạc tóc chưa xong, nhưng cũng có kẻ chẳng mấy chốc làm vài hợp đồng, đăm dự án đã vila nhà lầu. thế là phố có thêm những khu mới, những biệt thự sang trọng hàng rào bao quanh, có khi còn róc rách nước chảy, non bộ , cây kiểng. Có những người làm sang còn bê nguyên bản thiết kế từ tận châu âu về , mái nghiêng, mái ngửa, vòm cuốn, cửa chớp sáng choang, cứ nháo nhào mạnh ai nấy làm. Đủ loại gu, đủ loại phong cách khác nhau. Người trung trung thì kiếm vài chục mét làm nhà hình ống, cái thò ra, cái thụt vào, có tiền thì năm sáu tầng , ít tiền thì hai ba tầng. Mặt tiền phố nhỏ, ngõ lớn cho thuê tất, đèn xanh đèn đỏ, biển hiệu giăng giăng. Nhưng áp ngay cạnh đó lại là những khu nhà ổ chuột do dân tứ chiếng mặc nhiên nhảy dù chiếm những khoảnh đất thừa thẹo ví dụ như cạnh sông Tô quanh năm nồng nặc mùi thum thủm rồi một tấc không đi , một ly không dời, sinh con đẻ cái... Hay những khu dân nghèo, tiền ăn còn không đủ lấy đâu mà xây. Tôi có một người bạn làm phó trưởng khoa dạy trong trường kiến trúc nói thế này: " Một lũ ngu nhưng nó có tiền và mình phải vẽ theo trí tưởng tượng phong phú của chúng... ừ cũng phải, nếu lương nó đủ sống thì đã không phải đi vẽ thiết kế thuê cho những ... thượng đế ngu...
   Hà Nội mở rộng, làng xã lên cấp thành phường, thành phố. Người khắp các vùng miền lại được cơ chế thoáng là có quyền sở hữu và nhập hộ khẩu thì nhu cầu nhà càng cao, thời mở cửa là mở hết, mở toang . Từ các ông trong nước đến các ông nước ngoài đều có quyền đứng ra lập dự án xây nhà để kinh doanh. Thế là nhà tập thể cao cấp ( tên mới là khu chung cư ) ra đời. Thôi thì cũng đủ thể loại , nào là chung cư cao cấp, nào là khu tái định cư, nào là nhà ở cho người thu nhập thấp mọc lên như nấm sau mưa. Cầu thì nhiều lắm nhưng tiền không có nên cung hóa ra thừa, thế là đắp chiếu để đấy. Bởi nhà dành cho người có thu nhập thấp dù được ưu tiên vay ngân hàng, trả góp thì lương của đôi vợ chồng trừ ăn uống, học hành của con cái, trừ tất tần tật các khoản ốm đau, khóc cười thì mỗi tháng cũng phải dư ra gần hai chục triệu mới dám mơ. Mà ở nhà chung cư thì cũng tiện, sạch sẽ, dân trí cao... nhưng cũng nhiều cái dở, nhà nào biết nhà nấy, đóng cửa im ỉm. Khách đến tìm người nhà nếu chưa rõ thì phải hỏi bảo vệ dưới nhà cho kỹ không lơ vơ lên đó biết hỏi ai, vì hàng xóm có khi cũng không biết tên nhau. Phí các loại từ bảo vệ, đèn cầu thang, phí vệ sinh... mỗi tháng cũng từ vài trăm đến vài triệu . Ôi! Để có thể an cư mà lập nghiệp cũng thật khó thay.
   Chuyện về phố ( nhà ở phố) thì nhiều lắm nhưng kể nhiều quá e rằng các bạn lại bảo :'' Khổ lắm, biết rồi, nói mãi !". Nên thôi để khi khác mình sẽ kể chuyện khác vậy, ví dụ như chuyện về ăn , mặc chẳng hạn. Hẹn lại nhé....
   
  

6 nhận xét:

  1. Tem nhà KT nhé! HN vậy thôi mà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ! Hà Nội chỉ có vậy thôi ba ơi, vậy mà mòn gót vẫn có đôi khi là lạ ba ạ.

      Xóa
  2. Mình tên là "Phí " có ông hàng xóm cách mấy nhà cũng tên giống mình, nghĩ cũng hay hay. Nhưng từ khi chuyển về trung cứ cả xóm cùng một tên !!!!!! Giờ chả thấy hay gì hết ....!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà nhà nộp phí, người người nộp phí, xe xe nộp phí... sau này có khi nuôi chó mèo có khi cũng phí nốt... Mình cũng tên là Phí hàng xóm của bạn đây, không nhận ra à... hic

      Xóa
  3. Mình chờ bạn kể tiếp để sang đọc nhé!Nhiều vui!
    QUỲNH

    Trả lờiXóa