Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

ĐÒ ĐẦY

Tôi dừng chân bên chiếc lán khá rộng nằm sát mé sông. Đó là một quán bán hàng phục vụ khách chờ phà, được dựng lên toàn bằng các loại sắt và tôn cùng những ống tuýp nước đủ các chủng loại. Gió đầu đông từ tứ phía sổng sểnh hất vào quán. Trong lán có khoảng gần chục khách đang đợi phà, người đứng, kẻ ngồi rúm ró. Tất cả thật buồn và tĩnh lặng nếu không có tiếng nô đùa hồn nhiên, vô tư của mấy đứa trẻ cùng âm thanh phát ra từ chiếc cát-sét hòn gạch cổ lỗ đặt chiếc trên bàn nhựa ở góc lán : "Thương nhau ta tìm về, thăm lại miền quê, có cánh cò ven đê, có dòng sông khi chiều về...".
Hớp một ngụm trà nguội tanh lạnh ngắt và nhạt thếch, tôi lơ đãng hỏi bà chủ quán :
- Cụ ơi, chờ phà còn lâu nữa không ạ ?
- Cũng phải cả giờ đồng hồ đấy chú ạ ! Người ta còn phải chờ khách bên kia cho đẫy chuyến rồi mới sang. Hay chú đi đò, ông ấy cũng sắp sang rồi !?"
- Đã có phà rồi mà còn cả đò ngang nữa ạ ?
- Xuôi một chút... đấy, cái chỗ có chiếc mái lều lợp lá ấy. Cần gấp sang sông, chú xuống đấy, cứ có khách là ông lão chở ngay nên đi nhanh đáo để.
Tôi hớp thêm ngụm trà : "Sao mà cạnh tranh được cụ nhỉ. Phà rộng, khách đông còn lo lỗ, sức người làm sao đua được. Mà nhà phà người ta để yên cho ông ấy chở khách hả cụ ?".
Bà lão vừa têm miếng trầu vừa nhẩn nha :
- Lúc đầu họ cũng ý kiến buộc lão phải nghỉ. Nhưng ông ấy biết làm gì để sống ? Ngoài căn nhà nhỏ trong xóm và chiếc đò của người cha để lại, ông ấy không ruộng vườn, chẳng nghề nghiệp. Thế là cuối cùng nhà phà cũng đành thông cảm vậy. Ngày một vài lượt khách, đôi khi cũng có mấy ông khách lãng đãng thích cảnh đẹp ven sông lại thuê ông ấy chở dọc về phía thượng nguồn, kiếm sống chật vật vậy mà ông ấy vẫn nuôi được đứa con gái ăn học đàng hoàng, gần hết cấp 3 rồi đấy. Cả cái xóm bên sông ngoài con ông ấy chỉ còn thằng con trai của một lão chủ mộc là trụ được tới cấp 3...
Câu chuyện bà lão kể cứ thế trôi trôi theo con nước. Thấy tôi chăm chú, cụ tiếp
"Này, không ai ngờ lão ấy xấu xí là thế mà con gái xinh đáo để. Đúng là giống cái.... con mẹ nó. Cái đận lão ấy lấy vợ, cả làng xôn xao kinh ngạc vì chẳng ai ngờ cô dâu lại là cô gái xinh nhất trong làng.Tất cả trai làng dều tiếc hùi hụi, còn bọn trẻ con thì chạy hàng đoàn rồng rắn lên mây theo sau cô dâu chú rể mà đồng thanh : "Chú rể chèo đò, xấu như con cóc / Cô dâu theo sau, vừa đi vừa khóc....". Quả thật, ngày lão cưới vợ, ai chứng kiến cũng phải buồn cười. Cô dâu về nhà chồng mà nước mắt như mưa, khóc như... cha chết. Còn chú rể cười ngượng nghịu, mồm ngoạc ra như mếu dở....
Nhưng rồi cái số lão ấy cũng chẳng ra gì. Bẵng một thời gian, tưởng sẽ yên ổn, vợ đẹp con khôn, ai ngờ khi con bé chưa đầy 2 tuổi thì cái.... con mẹ thất đức của nó dứt áo bỏ lão ra đi.  Thế là mình lão gà trống nuôi con. Mà không biết kiếp trước nhà lão ăn ở thế nào chứ ít người thương con, quý vợ như lão lắm. Vợ lão mới chửa, người làng bắt gặp lão lên tận chợ huyện, có đồng nào móc sạch, mua đủ thứ về cho vợ tẩm bổ. Còn từ ngày vợ lão bỏ đi, lão càng quấn quít chiều chuộng con bé. Mấy năm trước, có lần con bé bị đau ruột thừa, lão cõng con bé trên lưng chạy suốt cả đêm lên bệnh viện rồi khóc rống gọi bác sĩ...
 đò sắp sang rồi đấy ! "
- Sao cụ biết, cháu có thấy gì đâu ?
- Tôi nói cấm sai, chú cứ chờ xem. Vừa có tiếng trống tan trường, chỉ lát nữa là con bé ra, trời nắng cũng như mưa chưa bao giờ lão để cho con bé phải chờ.
Bà lão bán hàng nói quả không sai, một chấm đen hiện rõ dần, một chiếc đò và dáng người đàn ông đang khom mình đẩy chiếc mái chèo dài như đòn gánh.  "Con bé đấy !" – tiếng bà lão làm tôi giật mình quay lại. Tôi không ngờ ở miền ngược, nơi xa xôi khuất nẻo này lại có người xinh đến thế, một vẻ đẹp tinh khiết của tuổi nụ vừa chớm xuân. Tôi ngẩn người nhìn cô bé đang đi như chạy về phía chiếc lều nhỏ, nơi con đò đã cập mép nước. Tôi hấp tấp đứng dậy trả tiền nước cho bà lão :
- Thôi cháu đi đò vậy, chờ phà lâu quá !
Chậm rãi cất mấy đồng bạc nhàu nát vào chiếc hầu bao, bà lão bảo :
- Này, cậu nhớ đừng trêu ghẹo gì con bé đấy. Đã có người bị lão đẩy xuống sông, cho uống no nước rồi mới vớt lên vì dám cợt nhả với con bé...
                                  x           x
            x
Một người đàn ông ông ngoại ngũ tuần, thấp đậm, da ngăm bánh mật, nhưng rắn rỏi, đặc biệt là bắp tay gân guốc, chiếc quần vải gụ đã sờn, ống cao ống thấp, trên đầu quấn chiếc khăn màu cháo lòng, một đầu khăn chéo xuống bên vai... Khi nhìn rõ khuôn mặt lão chèo đò, tôi nghĩ, cách miêu tả của bà lão bán quán còn có phần nhân nhượng.  trên đó là sự chen lấn của các hình khối, đường nét không theo những quy luật, trật tự bình thường. Chiếc mũi vừa ngắn tun ngủn, vừa sần sùi như người đang lên thủy đậu. Cánh mũi vừa to, vừa rộng toang hoác. Cái miệng như chứng hở hàm ếch tuy đã được vá lại nhưng do một bàn tay vụng về nên môi trên và môi dưới không đối xứng khiến nó trở nên méo mó, kéo cái cằm trễ xuống. Duy chỉ có đôi mắt tuy hùm hụp chìm giữa đống nếp nhăn chằng chịt lại ánh lên một sự ấm áp đến lạ thường.
Con đò chưa kịp áp vào bờ, cô bé đã hấp tấp nhảy xuống làm con đò chao đi, cô bé mất đà suýt ngã. Người cha hốt hoảng nhao lại đỡ và hét lên :"Cẩn thận ngã... con !". Nhưng cô bé dường như không để ý tới điều đó, vẫn nhoài người về phía cha, cô hổn hển :
- Bố ! Mẹ còn sống phải không ?
- Hả ? Ai nói vậy ?
- Lúc nãy có một cô chặn con ở cổng trường, dúi cho con cái túi này , rồi cô ấy khóc và bỏ chạy. Con đuổi theo nhưng không kịp, cô ấy đã lên xe ôm đi mất. Đúng là mẹ !.... Bố, bố …nói dối !…
Vừa nói cô gái vừa mở chiếc túi ra, bên trong là mấy bộ quần áo dành cho con gái và một ít tiền.
Ông lão gầm lên một tiếng uất nghẹn, đau đớn rồi giằng lấy chiếc túi cô con gái đang cầm lẳng xuống sông. Cô gái sững sờ nhìn cha rồi nhìn những bộ quần áo đang dập dềnh trên mặt nước. Bỗng cô thét lớn "Bố ác lắm!", rồi bỏ cắm đầu bỏ chạy lên bờ vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Lão chèo đò như sực tỉnh, hốt hoảng :"Nga, Nga ơi ! Không phải vậy đâu con....". Và lão nhảy ào xuống nước, lập cập, run rẩy vớt các thứ lên và cứ lướt thướt như thế đuổi theo con gái. Một lát sau lão thẫn thờ quay lại. Lúc này lão mới nhận ra sự có mặt của tôi - Người khách chờ đò duy nhất trong buổi trưa hôm đó. Lão nói như mếu : "Hôm nay tôi không chở đâu, cậu đi tạm phà vậy !"
x           x
               x

   Trở về, qua dòng sông ấy, tôi lại cố tìm ông lái. Con đò nằm thõng thẹo, im lìm bên dòng nước lững lờ mùa cạn. Lão lái đò ngồi bất động trên chiếc chiếu nhỏ trong túp lều, bên cạnh là chai rượu đã vơi quá nửa. Tôi bước vào, lão nhìn ra bằng đôi mắt hùm hụp, ngấn nước rồi xua tay : "Chú sang bằng phà, tôi không còn chở đò nữa rồi". Không trả lời, tôi khom người bước vào túp lều, ngồi xuống cạnh lão. Lúc này lão mới nhận ra tôi : "Xin lỗi cậu vì chuyện hôm đó, ngần ấy năm chèo đò, tôi chưa để ai lỡ chuyến. Có lẽ cậu là người duy nhất". Nói rồi lão với tay lấy cái chén, rót rượu mời tôi. Và câu chuyện không đầu không đũa cứ thế trôi đi, lấp dần những điều tôi còn chưa hiểu sau lần hôm trước qua đây.
"....  Từ khi nó còn bé, tôi đã định đưa nó đi khỏi đây, đi thật xa để vĩnh viễn nó là con của tôi. Nhưng cứ nghĩ cảnh cô ấy về tìm con không được, cô ấy sẽ đau khổ đến mức nào là tôi lại không đành lòng. Tôi vừa mong, vừa sợ cô ấy trở về. Rồi cách cái lần cậu chứng kiến đó khoảng hơn một tháng, người làng nói với tôi là loáng thoáng thấy cô ấy trên phố huyện. Từ lúc ấy tôi đã thấp thỏm không yên .
Nuôi con Nga từ bé, tôi luôn nói với nó rằng mẹ nó bỏ đi buôn bán và đã chết. Nó tin là như vậy cho đến cái hôm ấy...
Vâng ! Nó đã đi rồi, nó bỏ đi thật rồi. chắc cô ấy đã đón nó, vậy là con bé không thèm chào tôi lấy một câu, chắc con bé ghét tôi nhiều lắm vì tôi đã lừa dối nó...
Nói đến đây, ông lão ngửa cổ uống cạn chén rượu, mặt nhăm nhúm : "Tôi không có quyền giữ nó. Như vậy tốt cho con bé và cô ấy hơn phải không cậu ?".
"...Cái số tôi ông trời bắt phải cô độc, có vợ mà không phải vợ, có con mà không phải con. Ngày ấy tôi đã gần bốn mươi mà chưa dám cầm cổ tay một người con gái nào. Hoàn cảnh của tôi nó thế. Còn cô ấy tuy nhà không giàu có gì nhưng đã bao đám mối mai, nghiêng ngó. Cậu nhìn con bé thì biết, nó giống mẹ như đúc, giống đến nỗi nhiều khi tôi giật mình.
Nhà cô ấy nấu rượu nên tháng nào cô ấy cũng đôi ba lần mang rượu lên chợ huyện bán. Cũng bởi lẽ đó mà tôi được gặp cô ấy. Vừa chèo đò, vừa ngắm cô ấy, với tôi thế là quá đủ. Mỗi lần đò cập bến, gánh rượu lên bờ đê cho cô ấy, nhận được nụ cười cảm ơn là tôi ngơ ngẩn cả ngày.
Cho đến một hôm, trời đã tối mà tôi thấp thỏm không yên bởi cô ấy sang đò từ sáng mà vẫn chưa thấy trở về. Tôi bỏ cả ăn uống, nấn ná đợi để còn chở đò đưa cô ấy qua sông. Khi bến sông đã chìm vào giấc ngủ thì tôi thấy cô ấy thất thểu đi trên bờ đê. Thế là tôi lần mò bao diêm châm đèn để báo cho cô ấy biết là tôi còn thức. Chẳng để ý tới điều đó, cô ấy cứ chậm rãi bước xuống mép nước. Ban đầu, tôi tưởng cô ấy xuống rửa mặt nhưng khi nước ngập quá đầu gối thì tôi mới hiểu ra, tôi hét lên gọi cô ấy. Nhưng càng gọi, cô ấy bước xuống càng nhanh. Tôi bơi ra được chỗ cô ấy thì nước đã ngập quá đầu, tôi túm lấy cô ấy thì cô ấy giãy giụa chuồi ra khỏi tay tôi, tôi phải làm theo kiểu của những người sông nước, bẻ quặt tay cô ấy ra sau lưng mà lôi. Tôi luống cuống dìu cô ấy lên bờ và đó là lần đầu tiên tôi chạm vào cơ thể của một người con gái. Tôi vội vã ép nước từ trong bụng cô ấy ra ngoài, cả người cô ấy lạnh ngắt. Tôi xoa dầu và đốt đống củi nhỏ cho cô ấy đỡ lạnh. Rồi cô ấy tỉnh lại, không nói với tôi lời nào mà chỉ ôm mặt khóc tức tưởi. Cả đêm hôm đó, hai chúng tôi cứ ngồi như vậy bên đống lửa. Cho tới gần sáng thì cô ta kể lại cho tôi lý do việc cô ấy không còn thiết sống. Thì quanh đi quẩn lại cũng tại cái thằng sở khanh trên phố huyện. Cô ấy bảo, bây giờ không còn mặt mũi nào về nhà vì cái tiếng chửa hoang..."
Vâng ! Tôi đã van xin cô ấy, dù sao cũng phải nghĩ tới đứa bé trong bụng, nó đâu có tội lỗi gì. Tôi bảo, nếu cần một người đứng ra nhận làm cha nó thì tôi sẵn sàng xin làm đám cưới hỏi đàng hoàng, chỉ ngại... Tôi cũng nói thẳng với cô ấy, tuy tôi nghèo nhưng có thể lo cho mẹ con cô ấy... Thế là đám cưới đã nhanh chóng diễn ra.
Với tôi, từ ngày có cô ấy cuộc sống như trong mơ tuy rằng tôi vẫn ngủ trên chiếc chõng nhỏ phía ngoài, còn cô ấy ngủ trong nhà. Cả hai chúng tôi luôn âm thầm lặng lẽ như hai chiếc bóng. Con bé sinh ra nặng tới  ba cân rưỡi. Thú thật tôi chẳng nghĩ con riêng con chung gì, tôi quý nó như thể đấy chính là máu mủ của mình. Từ bé, con nhỏ cả ngày quấn quít quanh tôi, khi nó bập bẹ gọi ba ba tôi đã vui đến phát khóc, còn mẹ nó thì ít nói lắm, chỉ lặng lặng, buồn rười rượi. Cuộc sống chậm rãi trôi qua cho tới khi con bé gần hai tuổi thì cô ấy đột ngột bỏ đi và để lại cho tôi một lá thư. Trong thư cô ấy tạ lỗi với tôi và nói rằng cô ấy không bao giờ có thể làm vợ của tôi một cách trọn vẹn. Tôi càng đối xử tốt với mẹ con cô ấy, cô ấy càng cảm thấy có lỗi. Cô ấy bảo việc ra đi là vì muốn tôi có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Trong thư cô ấy nói con bé còn nhỏ dại quá, cô ấy không muốn nó phải khổ, cô sẽ đi tìm việc làm, khoảng vài ba tháng sẽ về đón đứa bé để tôi đỡ vướng víu. Thế mà thấm thoát đã 13 năm trôi qua..."
Ông lão cứ rầm rì kể. Nước mắt ứa dọc những nếp nhăn hằn sâu. Có lẽ chưa bao giờ lão có cơ hội được rút ruột mình ra như vậy.
"Tôi đau đớn lắm khi mất cô ấy nhưng cũng lại mừng vì nghĩ rằng người xinh đẹp như cô ấy không thể có hạnh phúc khi sống với một thằng chèo đò xấu xí, nghèo kiết xác, cầu bơ cầu bất như tôi".
Chậm rãi rót những giọt rượu còn lại trong chiếc chai thứ hai, ông lão ngửa mặt lên trời than :
"Tôi không ác với ai bao giờ, sao ông Trời cứ bắt tôi phải sống cô độc, thui thủi một mình. Tôi nhớ con bé quá, nhưng chắc cuộc sống của nó sẽ tốt hơn khi được chính mẹ nó chăm sóc phải không cậu ? Cái lẽ đời... là thế .   Rượu hết, bữa rượu tàn, cũng là lúc cả tôi và ông lão không còn biết gì trời đất. Không rõ phần hồn của chúng tôi được lâng lâng như thế trong bao nhiêu lâu nhưng cả tôi và ông lão đều bừng tỉnh lại khi có tiếng gọi : "Bố! ...bố... ơi !". Đúng là con bé rồi, từ trên triền đê nó chạy ào xuống túp lều. Tôi dụi mắt không hiểu mình tỉnh hay say. Dường như trên đê còn thấp thoáng bóng một người đàn bà...
    Một ngày mùa đông sao trời lại xanh đến thế !...


3 nhận xét:

  1. Sao mà bạn viết truyện hay đến thế!Hình như bạn thừa hưởng các tố chất tinh yếu di truyền từ bố LV thì phải.Bạn làm mình phải ganh tị với hạnh phúc của lão.Có lẽ ,lão được hưởng thế là xứng đáng với tấm lòng của lão.Mình không bao dung rộng lượng như lão,sao lại đòi hỏi ở cuộc đời này nhỉ.Không thể ngồi không mà réo,bạn hiền nhỉ?!Vui và thành công nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Em viết truyện này cách đây đã 6 năm, khi đó em chưa gặp ba Vân. Em rất mê đọc những câu chuyện ba Vân viết, em ngưỡng mộ ba tuổi cao mà nghị lực và trí tuệ tuyệt vời. Cuộc đời mang cho em rất nhiều may mắn khi gặp được những người thầy, người bạn tốt, như anh vậy ạ... Em rất cám ơn!

    Trả lờiXóa
  3. Truyện hay lắm, văn con viết rất mềm mại dễ đi vào lòng người. Nên tập hợp lại kẻo phí

    Trả lờiXóa