Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

CÓ THỂ MẸ LÀ MỘT BÀ MẸ TỒI - NHƯNG MẸ YÊU CON


Tất cả những bà mẹ trên trái đất này đều yêu thương con, đều mong những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con của mình. Họ đều có thể hy sinh tất cả, vượt qua tất thảy khó khăn trở ngại.Và ngược lại họ cũng gửi gắm vào những đứa con của mình biết bao kỳ vọng, biết bao mong ước vào một tương lai tươi sáng. Có những nụ cười, có những giọt nước mắt và cả những tiếng thở dài, nỗi thất vọng khi những kỳ vọng sụp đổ.Tại con, tại những bà mẹ hay tại những sai lầm khi yêu con không đúng cách….
Tôi cũng biết bao lần đặt câu hỏi đó :” Mình yêu con và dạy con đúng cách chưa, tôi có phải là một bà mẹ tồi không, liệu con tôi có khi nào thất vọng về tôi không “…
Tôi vừa đọc 2 cuốn sách về cách dạy con của hai bà mẹ ở hai đất nước và hai nền văn hóa khác nhau.  Cuốn : “ Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của một bà mẹ Do Thái và cuốn : “ Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ “ của một bà mẹ Hàn Quốc. Nghe tên 2 cuốn sách hẳn đã là sự đối lập trong cách nhìn nhận và cách dạy con. Nhưng hai bà mẹ đều có điểm rất chung là cùng thất bại trong hôn nhân, họ phải một mình gánh trách nhiệm, điểm chung nữa là quan điểm không sống hộ con và cùng rất rất ... yêu con ….
Bà mẹ Do Thái chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm nuôi dạy thành công ba đứa con. Hai con trai đều trở thành triệu phú khi chưa đến 30 tuổi và cô con gái cũng quá tài giỏi và thành công. Một điều ngưỡng mộ nữa là cả ba đứa con đều hiếu thảo và được vị nể về nhân cách. Cậu con trai lớn tặng mẹ chiếc chìa khóa căn biệt thự, cậu con trai thứ hai tặng mẹ chiếc chìa khóa chiếc ô tô sang trọng, còn cô em út tặng mẹ chiếc chìa khóa két sắt. Đó phải chăng là khát khao và mong ước của nhiều bà mẹ phải không ạ. Họ khao khát không phải được là chủ nhân của 3 chiếc chìa khóa đó mà là thành công và lòng hiếu thảo của những đứa con mà họ hết lòng yêu thương. Vậy bí quyết của bà là gì, sau khi ly hôn, bà quyết định đưa các con từ Trung Quốc là nơi mà theo như bà hiểu ra đó là nơi các bà mẹ như những cái trực thăng vù vù trên đầu các đứa con và sẵn sang lao tới ứng giúp, hình tượng giáo dục con của các bà mẹ Trung Quốc là hình tử cung luôn bao bọc trở che, còn hình tượng của bà mẹ Do Thái là hình ngọn lửa tự vươn lên. Bà rèn cho các kỹ năng sống tự lập, tự trách nhiệm với bản thân, vượt lên mọi khó khăn bước ra ngoài xã hội một cách tự tin mà mạnh mẽ…
Bà mẹ Hàn Quốc là một nhà văn và chính vì thế mà phương pháp giáo dục của bà nghe chừng không thực tế cho lắm. " Cho dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ". Chúng ta, các bà mẹ có lo ngại khi nghe câu này không. Ủng hộ cả khi chúng sai lầm ư, ủng hộ cả khi chúng có thể nguy hiểm ư. Hai mươi sáu bức thư bà viết cho con gái là 26 vấn đề nằm ở trong đó, những bức thư với những cái tiêu đề cũng rất lạ. Ví dụ như “ Tình yê thật sự chẳng làm tổn thương ai – người làm con tổn thương chỉ có thể là con thôi …”. Và cuối mỗi bức thư đều là mẹ luôn ủng hộ con dù con có làm gì và quyết định thế nào…
Nghe có vẻ vô lý nhỉ, thế chúng ta là mẹ để làm gì nếu không phải là luôn phải luôn dạy bảo con điều này điều nọ bằng tất cả những kinh nghiệm sống của mình, nhằm cho con không phạm phải những sai lầm. Nhưng đôi khi tình yêu đó đang là sai lầm mà không hề hay biết. Tôi đã phải đọc đến lần thứ ba mới hiểu nổi câu : “ Nghiêm cấm việc nghiêm cấm “ , nghe có vẻ lằng nhằng khó hiểu và khi hiểu lại thấy có phần vô lý nhưng đọc và thấu hiểu mới thấy có lý đấy chứ. Có những việc tưởng chừng như là cần nghiêm cấm đi chăng nữa thì đôi khi vẫn cần … phải làm,. Ví dụ như nghiêm cấm đái bậy, vậy thà phạm lỗi còn hơn làm bể Bàng Quang. Ví dụ chúng ta hay nói : “Nghiêm cấm sờ vào ổ điện” , với một đứa trẻ chưa biết giật điện bao giờ nó có sợ không, thà cho nó bị giật một cái bởi dòng điện vừa phải để có kinh nghiệm”…
Thậm chí bà còn viết cho cô con gái rằng con có chọn làm nghề gì mẹ cũng luôn ủng hộ vì cuối cùng thì quan trọng con sẽ là người như thế nào chứ không phải con sẽ là ai, dù con có muốn làm một người nội trợ thì cũng rất tuyệt nếu việc nấu nướng luôn làm con thấy hạnh phúc, bởi từ một bà nội trợ hạnh phúc đến chủ một chuỗi nhà hàng cũng không xa lắm nếu ngày mai nào đó con lại muốn kiếm tiền bằng những đam mê con có… Con có thể yêu người đàn ông mà con thích nhưng trước hết phải biết yêu thương bản thân mình…. Con có thể sai lầm nhưng hãy đứng dậy và bước tiếp vì chắc chắn con sẽ không bao giờ để mình một lần nữa trượt vào đó …Các kỳ vọng của chúng ta chỉ có thể khi tất cả các con chúng ta đều là thần đồng trong mọi lĩnh vực ... Chúng ta có khi nào nghĩ rằng các con chúng ta cũng có thể đang kỳ vọng chúng ta biết tôn trọng và tin tưởng vào chúng biết bao ...
Đọc đến đây tôi nhớ lại có một câu chuyện ngắn của Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Thiện Ngân mà tôi không nhớ rõ lắm kể rằng : Một cậu con trai một hôm ngang qua một căn nhà có một chiếc cửa sổ đỏ chói trên nền tường trắng bóc, cậu đã sững sờ với cảm xúc rất hứng thú và bị lôi cuốn đến nỗi cậu quyết định sẽ sơn cánh cửa sổ phòng mình bằng sơn màu đỏ, nhưng cậu vẫn còn bé nên không có tiền để tự mua sơn mà nếu nói với mẹ chuyện đó cậu sẽ không khi nào được mẹ ủng hộ, cậu quyết định sẽ để giành tiền để làm việc đó, nhưng một thời gian sau cậu thấy ý thích đó không ổn lắm vì cậu không thể quét vôi cả căn nhà cậu màu trắng, mà nhà cậu nằm trong một khu phố với những căn nhà màu xanh dịu hoặc xám nếu sơn một cánh cửa đỏ chót sẽ không thể đẹp được, lớn lên chút nữa cậu chỉ còn mỉm cười thú vị cho một ý nghĩ thơ dại đã từng qua … "Mỗi lá cỏ đều có một thiên thần hàng ngày thủ thỉ - lớn lên nào, lớn lên nào " .... Hãy cho con được trải nghiệm và tự lớn lên. Chúng ta cũng đã khó khăn để lớn lên kia mà - và trái đất vẫn xanh tươi đấy chứ
Cuối 26 bức thư của bà mẹ là một bức thư của cô con gái viết cho mẹ. Cô con gái đã viết : “ Thật là may mắn con được là con gái của mẹ ….Con sẽ đầu tư tuổi trẻ và tự do của mình vào ... thất bại ….
O…la …la …
Tôi có phải một bà mẹ tốt đâu mà có thể viết một cái gì đó về giáo dục. bởi đó là vấn đề vô cùng rộng lớn của các chuyên gia và còn là vấn đề tranh luận mãi mãi không có điểm dừng. Chỉ là những ý nghĩ vụn vặt khi cần trả lời câu tự hỏi : “ Tôi đã là một bà mẹ tốt chưa”. Tôi không dám mơ con mình cũng nói được câu “ Thật là may mắn khi con được là con mẹ “ Nhưng tôi có thể nói câu ấy : "Thật là may mắn khi mẹ được là mẹ của con “ . Và chính vì vậy tôi vẫn còn đang phải đọc và luôn học hỏi vì con



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét