HÀ NỘI CỦA TÔI
Trong gia đình, tôi là con út nên không mấy
khi phải làm việc nhà, nhưng việc hay phải làm nhất khi tôi còn nhỏ là đi chợ,
nói chính xác hơn là đi xếp hàng. Chợ ngày đó không như bây giờ, không la liệt
các hàng quán với ngồn ngộn các sản vật, tấp nập bán mua, thỏa mãn mọi nhu cầu
chọn lựa với lời mời mọc ngọt ngào.
Đầu chợ một cái nhà gỗ nho nhỏ lợp tôn có
hai cửa sổ lớn ghép bằng những tấm ván và cái kệ gỗ cao ngang ngực. Là nơi bán
các loại rau quả : Rau muống, bắp cải, bí đao, bí ngô… Cứ thỉnh thoảng ô tô tải
nhỏ chở rau về bóp còi inh ỏi là không ai bải ai nhanh chóng chen lấn chỉ vài
phút sau đoàn người rồng rắn hàng nối hàng … nhấp nhổm ngóng những người mậu
dịch viên và anh xã viên hợp tác xã trồng rau trong màn tung hứng những mớ rau bay
vèo vèo từ trên ô tô xuống và chất cao như đụn rơm.
Những
mớ rau muống dài đến nửa sải tay, cả hoa tim tím và dây leo vấn vít, bắp cải,
su hào thì sứt sẹo trầy trật, tất cả đều được vứt toẹt lên bàn cân, thôi thì
chỗ nào non, còn lành lặn thì ăn không thì cho lợn, hầu như nhà nào từ cán bộ
công nhân viên cho đến cán bộ, từ nhà tập thể đến nhà tư đều cố gắng nuôi một
con lợn, nhà nhà nuôi lợn mà sao thịt lợn ngày đó hiếm thế và nhiều khi nó là
nỗi ám ảnh như miếng bít tết trong truyện ngắn của Jack London vậy.
Lại nói về thịt lợn, Cái thời bao cấp hình
như thịt lợn là món cao cấp nhất, là ám ảnh những khi cái dạ dày trống rỗng kêu
ọt ẹt, bởi vì thịt gà hay thịt bò không hề có trong từ điển ẩm thực, một năm chỉ
có thể đôi lần được chấm mút khi ngày giỗ hoặc tết Nguyên đán.
Quên mất, đang nói về chợ. Qua cái quầy rau
với mấy cô mậu dịch viên cau có đi xuống một cái dốc ngắn ngoằn nghèo là mấy bà
hàng cua ốc ( cái này dân có thể mua bán không cần tem phiếu ) vì mậu dịch không có bán. Mấy bà ở ngoại
thành quần còn xắn ngang gối, bê bết bùn vớí vài xóc cua, mẻ cá bống, ốc, hến
và đôi khi là mấy chú ếch, lươn …loi nhoi trong giỏ.( Chúng đâu có thể ngờ rằng vài chục năm sau chúng đã soán ngôi thay thịt lợn lên thành đặc sản).
Cuối con dốc lại một cái quầy cũng bằng gỗ,
nhưng được đổ mái bằng, quầy này trông tối tăm, bí hiểm hơn bởi những ô cửa sổ
bé con con chỉ thấp ngang rốn. Những cái cửa sổ như những cái lô cốt bên trong
lấp lóa ánh đèn rất chi là sang trọng. Trên cái bàn đá trắng lốm đốm
những khoảng cáu vàng vàng, nâu nâu là những tảng thịt lợn đông lạnh mỡ trắng
hếu với những con dao nhọn thoăn thoắt.
Những khuôn mặt sau cái lô cốt này cũng vênh
váo hơn bởi không như mấy cô mậu dịch viên bán rau kia, thực phẩm cao cấp này
phải có tem phiếu mới mua được ( Tem phiếu là một ô giấy nhỏ chỉ bằng đốt ngón
tay có in chữ số theo quy định là số 1 mua thịt, số 2 mua cá…). Thế nên từ khi
cái lô cốt kia còn đóng im ỉm chỉ vọng ra tiếng cười nói rôm rả của mấy cô đeo
tạp dề trắng ( nói đúng hơn là màu cháo lòng ) thì hàng người rồng rắn đã nối
đuôi nhau.
Khác với sự náo nhiệt bên quầy rau, đoàn
người rồng rắn ở đây lặng lẽ hơn, trật tự hơn nhưng cũng nhiều cái nhiêu khê
khó chịu hơn. Bởi là mặt hàng cao cấp nên dù có hay không có thịt thì trước cái
lô cốt ấy cũng có khoảng chục cái “ chỗ ” được xếp ở đó. Nửa viên gạch vỡ, một cái nón
rách, bao tải cuốn tròn hay có khi chỉ là xấp lá bàng buộc lại là có thể chễm
chệ đại diện cho một con người. Ai khó chịu cứ thử vứt đi xem, sẽ biết thế nào
là bài ca ngoạn mục của mấy mụ phe thịt, còn nếu bạn bận quá ư, không có thời
gian xếp hàng ư, thì cũng lại chính mấy mụ sẽ cười tươi như hoa, cầm tem phiếu
của bạn nhấc viên gạch vứt vèo xuống cuối hàng rồi đoàng hoàng đứng thế vào đó
mắt nháy nháy với mấy cô mậu dịch viên áo cháo lòng. Thế là chỗ thịt ngon nhất
được các cô xẻ ra giấu bên dưới sẽ được nhấc lên kèm theo nụ cười có đi có lại.
Thế nên, tuy là phiếu của mình, tiền của mình nhưng nếu muốn mua chỗ thịt ngon
ngon một chút thì phải nở một nụ cười rõ tươi kèm theo câu nói khéo khéo và còn phải
tùy theo cô bán hàng vui hay buồn, chồng đêm qua có máy mó cái gì không. Đôi khi xếp hàng toát mồ hôi trên, mồ hôi dưới đến nơi nhận được câu nói lạnh tanh " Hết thịt rồi!" và cái sập cửa như máy chém.
Phiếu
thịt của Nhân dân ( có nghĩa là không đi làm) được một lạng 1 tháng, cán bộ 3
lạng 1 tháng, công nhân 5 lạng 1 tháng…một lạng thịt có thể đổi thành 1,5 lạng
mỡ hay 2 lạng xương thùy theo nhu cầu để có thể bôi mếp cả tháng. Thế nên câu
nói nổi tiếng của Bác Hồ là : “ Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng !".
Mà lạ thật, sao ngày xưa con người ta lại
hiền lành thế không biết, hay cái văn hóa xếp hàng đã ăn sâu vào não bộ của
từng người dân. Không cần phải nhờ, những con người bằng xương bằng thịt đại
diện cho chính mình lại tự động đá hòn gạch hay cái nón trước mình nhích lên
chứ không hề bước qua ( đôi khi điều đó đến tận bây giờ vẫn làm tôi thắc mắc
không hiểu ). Thế nên ngày đó trong nhà không có ai đem treo chữ Nhẫn hay chữ Tâm
như bây giờ.
Hồi đó đàn ông hay đàn bà cũng đều đi làm
nên không hiếm mấy ông đàn ông, đàn ang cũng được vợ phái đi xếp hàng. Đôi khi
hàng đông phải chen lấn, thế là ngực chị đứng dưới ép vào lưng anh đứng xếp ở trên,
mông ông nọ cọ … cái gì đó của bà kia ( thế nên thời đó khối ông thích được
đi… xếp hàng ( Nhà cửa chật chội, nóng nực, đêm muốn nằm úp thìa với vợ còn bị đẩy ra). Càng đông thì càng cố chen, còn chị em đàn bà mua được miếng thịt
hay cân cá xong thì mặt đỏ lựng , không biết vì vui hay thẹn. Rồi cá , đậu, nước mắm, xì dầu cái gì cũng xếp hàng. Thậm chí mua báo cho bố đọc cũng xếp hàng. Ôi ! Còn đâu nữa cái thời vàng son của nghành thương mại Việt Nam.
Lại nói chuyện về tuổi thơ tôi với cái việc
xếp hàng. Mỗi khi mẹ bảo đi chợ, tôi đã biết là mình sẽ phải mất ít nhất là một
tiếng, có khi là hơn để xếp hàng, việc đầu tiên là tôi sẽ phóng thẳng sang nhà
mấy con bạn để rủ rê, nhà nó cũng cần phải mua thứ này thứ khác thì thật tuyệt
không thì phải mè nheo, đôi khi phải hối lộ mấy con in ( cái này chỉ bọn trẻ
con thời tôi mới biết ) để có người đi cùng. Khi tôi xếp hàng mua cá thì bạn ấy
sẽ xếp hàng bên hàng thịt và ai là người người đến lượt trước thì người kia sẽ gửi
chỗ ( VD : Quay lên hay quay xuống người đứng sau hoặc trước mình với giọng rất chi
là lễ phép – dạ cho cháu gửi chỗ cháu qua bên kia một chút ạ !, rồi khi hai đứa
mua xong lại về xin chỗ đã gửi, một mà thành hai – vì là
trẻ con nên dễ được châm chước ). Ngày xưa người ta lại có thể gửi nhau cả cái
“phi vật thể ”như thế đó. Cũng có khi chỉ cần mua một
thứ thôi thì hai đứa sẽ cụm đầu trút bầu tâm sự hoặc cùng chơi một số trò chơi
để giết thời gian như trò giải câu đố hay trò nói nối hay cộng nhanh. Ví dụ như
một đứa nói Hà Nội thì đứa khác tiếp theo… nội thành – Thành Công – công viên …
( các từ chỉ về địa danh ) ai tắc tịt thì thua và sẽ bị một cái đét tay hay búng
tai. Thế nên hồi đó tuy môn văn thày cô không dạy nhưng chúng tôi đứa nào cũng
lận một số câu đố hay tực ngữ ca dao. Tôi nhớ có lần bí, tôi ra câu đố : “ đố
trên đầu cậu có bao nhiêu sợi tóc”, bạn gân cổ lên bảo cậu có đếm được không
tôi đàng hoàng bảo : " có ba vạn chín ngàn,chín trăm, chín mươi chín sợi, không tin
đếm đi…”.
Thời gian trôi thật mau trong tiếng cười
rúc rích của hai đứa và việc xếp hàng với tôi đã trở thành công việc nhẹ nhàng
không có gì đáng ghét. Đã mấy chục năm trôi qua, đôi khi tôi vẫn giật mình nhớ
nhớ và ngơ ngẩn như tôi để quên một chỗ xếp hàng ở đâu đó mà chưa quay về xin
lại. ( hòn gạch vỡ ngày xưa ấy đâu có khắc tên tôi ). Nếu có còn thì phải đợi
bao lâu tôi cũng sẽ xếp hàng để mua một chỗ về lại tuổi thơ.