Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

QUỲNH HƯƠNG

Mộc mạc mà kiêu sa

đài các, trắng trong

kiêu hãnh nở

búp thon gầy run run trong gió

hương trinh dâng nồng ấm dịu dàng

đêm thẳm sâu sực tỉnh 

ngỡ ngàng

sương ngân ngấn long lanh nhòa ướt

say lả vờn ánh trăng ve vuốt

ngọc ngà khoe, e ấp mong manh

tình chưa trọn

đêm chưa trọn

sao đành...


                    Giấc mơ tan
                                         gió u buồn

                                                          trăng khóc !!!

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Con gái

- Mẹ ơi ! Thầy toán có ác cảm với con hay sao ấy. Đầu năm mới vào nhận lớp thầy hỏi tên con. Khi con đứng lên thầy nhìn một lúc rồi nói : " 9,8 kia à...". Rồi tiết nào thầy cũng gọi con lên bảng mặc dù con không giơ tay, thầy toàn bẫy việt vị con nên con giải toán bị sai suốt, thày nói học thày con khó được quá 8 phẩy. Con chán quá mẹ ạ.
 Con gái, qua 12 năm học luôn đứng đầu lớp với kết quả xuất sắc vậy mà bây giờ có vẻ nhụt chí, buồn buồn. Tôi không biết nói sao với con chỉ khuyên con học tập tốt hơn để chứng minh thôi, nhưng trong lòng tôi cũng cảm thấy buồn và lo lắng vì năm nay con gái phải trải qua nhiều kỳ thi để khẳng định mình và chuẩn bị bước vào đời.
 Tôi không băn khoăn nhiều về tình hình học của con bởi tôi biết con gái luôn cố gắng mà chỉ nghĩ về phương pháp sư phạm. Tôi thực sự bất ngờ, sao một tiến sĩ toán học, trưởng bộ môn toán tại một trường chuyên có tiếng lại nói với học sinh như vậy, có thể con chưa học được như thầy mong muốn thì cũng đừng đổ nước lạnh vào con như vậy chứ, mới đầu năm học, con đường phía trước cần động viên khuyến khích các con...Và để chứng minh, con gái đã đạt hai điểm 10 và một điểm 9,5 toán.Nhưng nó vẫn ấm ức vì câu nói của thày.
  Tối hôm kia cùng mấy vị trong ban phụ huynh đến tặng quà cho thày cô của con gái, tôi cứ đắn đo không biết có nên trao đổi thẳng thắn với thày về chuyện của con gái không, bởi vì sợ thày giáo càng thêm có ác cảm với con nữa thì tội cho con. 
  Đến nhà thày, vừa ngồi yên vị đột nhiên thày hỏi: " Hôm nay trong các vị có ai là bố mẹ cô bé lớp trưởng không. Tôi đứng dậy và từ khi đó thày chỉ nói về con gái. Thày nói: " Tôi mết con bé thật sự, nó tư duy rất tốt, luôn cố gắng, có nó tôi dạy học rất nhàn mà học sinh lại hào hứng và tư duy theo hướng tích cực, tôi đang thử phương pháp này, tôi bẫy nó liên tục, nó sai nhiều, cái sai đó là những dấu ấn để nó và cả lớp sẽ rất nhớ để khi đi thi không bao giờ mắc lỗi được ...tôi thích cái tập thể lớp này..."
  Tôi cười mà nước mắt ngân ngấn, tôi luôn tự hào về con gái, tối đó tôi ôm con gái và thì thầm mẹ hạnh phúc vì là mẹ con ...và tôi kể cho con gái nghe những lời của thày, nó cũng sung sướng gần khóc. Sáng nay trước khi ngồi lên xe đạp điện đến trường con nhoẻn cười nói với tôi: " Hôm nay có tiết toán của thày!". 
  Tôi là một bà mẹ may mắn và hạnh phúc khi có hai đứa con tuyệt vời. Tôi vẫn thường đùa - tôi có nhiệm vụ duy nhất trong công cuộc học tập của hai con đó là quát con đi ngủ, vì cả hai con, đứa nào cũng học quên cả giờ.. ngủ... hihi. 
  Nhân ngày nhà giáo Việt Nam tôi xin kính chúc các thày các cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và là nguồn sáng, là niềm yêu thương cho con trẻ. Chúng tôi những người phụ huynh luôn biết ơn và kính trọng các thày, các cô. Những người vun xới cho những mầm xanh  của đất nước.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Một chiều đông

Có một chiều mùa đông
mưa phùn giăng lạnh căm
gió lăn tăn gợn sóng
Tháp Rùa cúi mặc trầm

Nhà cao thật là cao
ô tô nối đuôi nhau
còi xe chen vồi vội
đèn nhấp nháy đủ màu

Cạnh tháp nước vườn hoa
có một kẻ co ro
đôi dép lốp mòn vẹt
vạt áo bông cũ nhàu

Chiếc áo mưa che than
chiếc xe đạp cũ mèm
chồng xếp chồng cao ngất
tổ ong hàng nối hàng *

Không cần cất tiếng rao
chẳng cần chi mời chào
tự thân, biển quảng cáo
lạc lõng giữa phố chiều

Phố cổ cách con đường
tấp nập bán với buôn
lụa là cùng gấm vóc
đồng hồ, nhẫn, bạc, vàng ...

Gió hun hút mưa bay
ngong ngóng chờ đợi ai
kia rồi bóng bà mẹ
nón đội, túi cầm tay

Ái ngại nhìn trời mưa
- cháu đợi bác lâu chưa
áo mưa sao không mặc
than ướt rồi sẽ khô

- Cháu người vốn dân quê
sợ gì mấy hạt mưa
xưa lội bùn cấy hái
có ốm đau bao giờ

Giờ làng lên thành phố
ruộng đất thành sân gôn
ít tiền đền bù đấy
cất cái nhà cỏn con

Không ruộng, chẳng còn rơm
bếp rạ cũng mất luôn
bếp ga giờ sạch sẽ
tay vợ đỡ nhọ nhem

Áo trắng con đến trường
gạo từng bữa ăn đong
thương vợ con rau, cháo
cháu thành thằng bán than

Bà mẹ mắt nhòa cay
cái nghèo chẳng chừa ai
thôn quê hay thành phố
thương mình lại thương người

- Nhà bác ở chỗ nào
cháu đưa đến tận nơi
sao bác phải vất vả
già bước thấp bước cao

- Nhà gác cao, ngõ sâu
bác đi được có sao
cũng như tập thể dục
mấy viên than nhẹ hều

Trời mưa, trời vẫn mưa
gió lạnh căm, vẫn gió
bước liêu xiêu trên phố
bóng dáng mẹ nhạt nhòa

Chỉ nhìn thôi từ xa
đừng đi theo mẹ già
giấu giếm viên than nhỏ
sợ kẻ cười người chê

Con gái đang tuổi hoa
đẹp như ngọc như ngà
con trai làm nhà giáo
nếp thanh bạch cửa nhà

Mỏng tang đồng lương hưu
mẹ giành dụm chắt chiu
sợ người nhìn - con tủi
mang tiếng  - gái Hàng Đào

Bếp than khói mắt cay
tóc mẹ sương giăng đầy
mùi cơm thơm lan tỏa
một chiều đông, một chiều !



* Than tổ ong, một loại nguyên nhiên liệu giành riêng cho người... tiền mỏng






Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Một truyện ngắn hay

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐA TÌNH


Ngày mợ mới về nhà cậu Thị. Người mẹ có bảy tám nếp nhăn trên trán của Đĩnh lắc đầu.

-Vợ thằng Thị, bây qua đây tao cho cặp kiếng đen với cái khăn đội đầu.

-Má, mợ Thị đâu có cận mà má cho cặp kiếng. Vấn cái khăn như má nhìn nực nội muốn chết.

-Thằng mất dại, biết gì mà ăn cơm hớt. 

Đĩnh thấy mình ngu. Anh không hiểu hết ý cặp kiếng đen của má. Đĩnh còn ngu lâu. Nhà anh phơi lá gòn. Bột gòn chất bao bao. Nó quá quen. Nhưng Đĩnh thường hỏi màu xanh này ở đâu. Lá phơi khô màu xám. Vậy thì màu xanh ở đâu khi xay nó nhừ ra. Có những điều rất ngộ.

Ví dụ như vì sao mợ Thị giấu tóc.  Nó đen nhức nhối, xức dầu dừa mướt rượt  nhưng lại búi cục, đội khăn quanh năm. Hình như có lúc Đĩnh cũng hiểu.

Nếu mợ để cho nó bay tự do thì lôi thôi. Mấy lần mợ gội đầu, nước con sông dường như ngất ngư. Thật ra chỉ có tóc không thôi thì cũng không đến nổi. Nhưng nếu nó chảy hai bên, trên là trán phẳng, dưới là từng nét từng nét mượt mà. Đố ai không bị ám ảnh.

Ấn tượng mạnh. Chỉ có cậu Thị là không bị ngợp. Quá nhàm. Cậu mê thứ khác. Thà bỏ vợ chớ không bỏ mấy con gà trống, những ông tây trong lá bài. Ai cũng nhìn Thị.  Kỳ vậy. Ôm một người người đàn đẹp như mợ không thấy ghiền sao, không sợ mất sao. Cậu Thị hỏi sợ gì? Mợ dám hó hé sao? Với ai? Đàn ông xóm này có ai không thèm mợ. Nhưng mấy  thằng có gan bán trời không mời thiên lôi đã trót chơi thân với cậu Thị rồi. Ngu mới rề rà với vợ bạn, giang hồ ỉa vô mặt. Số người khác đàng hoàng hơn một chút thì nhìn mặt cậu Thị là muốn cóng giò. Cậu thả lang mợ.

Mợ được thả langtừ nhỏ. Mồ côi hồi tám tuổi. Chú Ba nuôi hai chị em mợ chưa khôn đã lớn. Năm mười tám có một người thương mợ. Đồ ngu, thương cháu mà gây  thù  với chú. Mợ đi theo người đó. Chú ba nói vậy thì  thì đi luôn, khỏi gặp lại thằng  em nữa. Mợ bỏ người trai đó theo chú đảo về nhà.

Cậu Thị là công tử. Một lần đi chơi nhìn thấy người con gái tóc cột buông dài, vo quần tới gối, bầm chuối, quét nhà, rửa chuồng heo… Chọc ghẹo cỡ nào mợ cũng không cười. Vậy mà say la đà. Mợ nói mợ đã có một đời chồng nhắm thương được không. Cậu hoảng. Mấy ngày kế bỏ ăn. Biết mình không thể quên được người con gái có mái tóc đen nhức đó.

Đám giang hồ cười cậu “cưới đàn bà  ngóc đầu lên nổi tao kê cổ cho khứa”.Yếu bóng vía mới tin. Nhưng cậu bại trận hoài. Trong bụng không khi nào thấy vui. Cậu hận mình. Cái mùi trinh nguyên nó ra làm sao.  Những lúc kề cận nhau cậu hay hỏi mày còn tưởng nhớ thằng đó phải không. Mợ không nói được.

Cậu cắm đầu với mấy chuồng gà. Mấy chục công đất cha mẹ để lại bay theo những cú nhảy vọt máu của đám gà. Mợ muốn nấu một nồi bánh canh bán nhưng má Đĩnh bàn ra.  Xóm có vài trăm nóc nhà, mới ba giờ nhà nào cũng có người thức sớm nấu cơm. Đi buôn bán xa thì cậu  biểu đi luôn. Đi mót lúa cậu nói “ có phải mày đổi lấy cái của mày có được bao lúa này không”. Cậu nghĩ đúng. Người như mợ bước ra đường đàn ông họ đang có cái gì sẵn sàng dâng hết cái đó.  Mợ chỉ biết ra cái vườn tạp sau nhà quét lá ung lấy tro. Mợ Thị bán tro mua gạo. Tro nhiều gạo nhiều. Cậu Thị cũng ăn miếng cơm nồng mùi tro nhưng cậu rất ghét tro. Mấy lúc muốn bán tro phải đợi cậu không có ở nhà. Chớ đong tro bụi bay mịt trời cậu chữi tắt… Bụi.

Mợ không sợ bụi, mê tro. Có khi mợ đứng bên mấy gốc cây tạp nhìn tàn lá xanh um, ước tụi nó rụng nhiều nhiều… Rồi tự nhiên thấy mình dã man quá. Mình đã đốt rụi bao nhiêu xác lá?

Đĩnh thấy mình có tội. Nếu nhà Đĩnh trồng còng thì mợ có cái để đốt. Lá còng dầy, cháy tốt nhiều tro. Đằng này nhà Đĩnh trồng toàn gòn. Mà gòn mới đâm tượt được vài thước, lá còn  xanh um đã bị Đĩnh đốn, phơi khô xay bột, bán cho bè cá, bán cho xưởng làm nhang. Nhìn cái vườn gòn không có miếng lá rụng, Đĩnh thấy mình vi phú bất nhân.

Bên nhà Đĩnh không có cái gì để mợ Thị có thể gom rồi đốt. Vì má anh cũng thức hồi ba giờ quét sàn sạt, gom gọn ung khói mù trời. Khói đuổi muỗi cho heo, cho gà, cho người. Mùa lạnh còn có thể ngồi quanh đống ung hơ lửa, kể chuyện xưa. Mấy cô gái muốn dễ lấy chồng phải biết quét sân, quét sàn ung lá. Má Đĩnh đã có thói quen này từ hồi mới về làm dâu. Cho nên nhà Đĩnh trước sau không có một cái lá.
Mỗi lần phơi lá gòn Đĩnh luôn tự hỏi mấy cái lá này đốt có nhiều tro không? Lúc cầm thau trút bột gòn vô bao Đĩnh nghĩ cũng là bột lá, sao bột này màu xanh, không bụi, bột tro bụi  bay đầy đầu. Mợ Thị mỗi ngày sàng vài chục đống tro.

Tro bu đầy hàng mày, hàng mi mướt xanh của mợ. Mắt xanh mi bạc. Không làm mợ già đi, xấu đi, chỉ thấy ngộ. Như là khói giăng mặt hồ. Ai rớt vô đó cũng ngập ngụa mà không hề biết là mình đang ngập ngụa. Hồi năm mợ hai mươi lăm đã có ba đứa con rồi mà mấy anh chàng đi mua tro lần nào tới xứ này cũng ghé hỏi có tro không? Có khi mới bán hai bữa trước bữa sau đã ghé lại hỏi. Mợ nói tro này có người mua rồi. Mợ bắt mối luôn chọn lựa mấy người phụ nữ dù cái thúng họ lớn gấp đôi cái thúng phơi lúa nhà mợ.
 
Như vậy mới yên thân. Ví dụ thấy một ai đó dòm ngó mợ, cậu hỏi “mày nhìn nó kiểu gì nên nó mới vậy.  Đàn bà thiếu gì sao tụi nó xúm dê mày”. Đĩnh thấy mợ hình như cũng đâu có sợ cậu. Chẳng qua mợ không muốn nghe một lời tán tỉnh nào nữa hết. Nghe  có thấy vui gì đâu. Tối ngày mợ chỉ lủi thủi với đám tro. Nói chuyện với đống ung. Hơi thở đã mặn mùi tro. Khi vướng vấp đâu đó trong cổ khạc ra cũng chỉ thấy tro.

Mà Đĩnh biết hai thứ bột gòn và bột tro nó giống nhau. Nếu đem đổ xuống đất mười ngày sau chúng thành đất hết. Bột gòn nhà Đĩnh vô bao che chắn kỹ. Mợ Thị không có nhiều bao, không có tấm ni-lông lớn. Nhà mợ tro để đầy cặp bên hông, trước nhà sau nhà đều có tro. Chỉ trừ dưới sàn nhà cậu Thị cất chuồng gà.  Mợ chỉ được chui xuống đó quét cứt gà hoặc là lấy tro rãi đuổi đám mạc mẹ, mạc con chớ không được vựa tro chỗ đó. Mùa mưa mợ lấy lá chuối lợp nhiều lớp. Khi bán một lớp dầy dưới đáy bị ướt không ai mua hoặc là nó đã bị mục thành đất. Như mồ hôi mợ về với đất.

Đĩnh lén má lấy mấy cái bao cũ đem bỏ ra hè chỗ mợ quét lá. Mợ quét tránh mấy cái bao. Đốt cũng tránh mấy cái bao. Đĩnh tự hỏi vì cái gì mợ không lượm mấy cái bao hốt tro. Vậy thì thôi mợ lùa vô đống ung đốt phức cho rồi. Má Đĩnh cằn nhằn.

-Thằng hủy của. Bao tao còn lành bon mà đem giục.

Đĩnh đốn sát gốc một đám gòn, còn đang tiếp tục đốn nữa. Má chạy tới giựt cây dao.

-Thằng trời đánh,mày đốn hết đám gòn rồi lấy lá đâu xay.

-Con trồng còng.

-Trồng còng chi?

-Cho nó rụng lá…

Tới đây thì má của Đĩnh đã hiểu.

-Mày vô đốt nhà, thảy tao vô đó luôn cho nó nhiều tro.

Đĩnh quay lui, vác rựa vô nhà. Đi qua mấy đống ung nhà mợ Thị. Đĩnh ao ước mình trở về thời con nít. Mùa nước giựt mạnh gió bấc thổi già, cái lạnh cũng đặc sệt như có thể đông cứng con người. Mấy người mạnh giỏi đi cắt lúa sạ. Người già con nít ở nhà ngồi quây bên những đống ung, vừa ấm vừa tránh được muỗi. Đĩnh hình như thấy mình thành người lớn  là nhờ những đống ung.

Trong xóm có một người đọc truyện Tàu rất nhiều kể cho con nít nghe mỗi ngày một khúc như người ta chiếu phim nhiều tập. Đĩnh với mấy đứa cùng cỡ  đêm nằm ngủ trông cho mau sáng đặng tới đống ung nghe chuyện. Ông kể Kiều Phong trượng nghĩa chung tình. Thái tử Sĩ Đạt Đa ngộ ra con đường bất tử, thoát kiếp luân hồi. Đĩnh đã hết con nít rồi nhưng sao thèm mấy chuyện củ rích. Thương Kiều Phong mất người yêu muốn chảy nước mắt.

Má Đĩnh  thấy mặt anh buồn buồn bà dọ tới dọ lui kiếm mấy cô gái ở xóm trên xóm dưới.

-Má đừng có dọ nữa. Con không lấy vợ đâu.

-Mày tính ở vậy báo tao tới già hả thằng chết bầm

-Con sợ mình có vợ không lo được cho người ta, để người ta khóc thầm.

Đĩnh sợ nghe tiếng khóc thầm của phụ nữ rồi. Sao mà nghe được. Khó nghe lắm. Nhưng mà đã nghe rồi thì vô phương quên. Đó là những tiếng khóc làm không gian đứt gãy. Trở mình nghe ruột gan lăn rổn rảng. Má lắc đầu.

- Trời ơi, con ơi là con. Đã người ta khóc thầm rồi mà mày còn lén nghe làm chi cho nặng lòng nặng dạ không biết.

Mấy ngày sau mợ Thị chặt tre gai về cắm hàng rào. Cậu Thị về hỏi mầy có khùng không? Ở đây người ta cất nhà còn không làm cửa, mày làm hàng rào không giống ai hết.

Mợ nói không làm rào ăn trộm nó lấy hết mấy đống tro của tôi. Ăn trộm sát bên vách nhà nè. Cậu Thị tán mợ cái bốp. Mày muốn tao phải đội rượu đi lạy bà con à.

Cái hủ nước mắm để bên hè bữa đó không biết ai múc hết chế đầy nước thúi um. Mợ nói hồi hôm thấy ăn trộm nó leo qua rào, múc hết nước mắm, đổ nước cho đầy hủ. Mà thằng trộm đó quen lắm. Cậu Thị lại tán mợ cái bốp “đồ ba trợn”.

Má hỏi mày có nghe gì không. Đĩnh cười. Tiếng khóc thầm còn nghe nữa mà. Má làm như do Đĩnh mà mợ Thị bị mấy cái tán đó. Mà hình như Đĩnh cũng thấy đau đau như là chính tay Đĩnh đánh mợ. Đĩnh xòe bàn tay mình ra. Những ngón tay rất thô. Mấy lúc ngồi bên đây nhìn cậu Thị tắm cho gà, Đĩnh cũng thấy những ngón tay cậu Thị kệch cợm như vầy. Anh tán nguyên bàn tay lên mặt mình. Đau tối tăm mày mặt. Anh ngồi gục đầu bên vách nhà.

Đĩnh không dám nhóng mắt qua ràonữa. Mỗi lần muốn nói gì đó cậu không cònnói lớn tiếng. Anh cũng không dám để tai nghe coi bên đó họ đang làm gì.

Đối với mợ Thị, Đĩnh thật sự xa lánh. Anh có chiếc xuồng được bảo dưỡng, khóa lòi tói rất kỹ lưỡng. Người khác bệnh anh sẵn sàng lấy xuồngđưa đi nhà thương. Bữa đó mợ Thị bị xỉu, anh ngồi trước hàng ba xước mía tỉnh khô. Ai năn nỉ cũng lắc đầu, đưa bệnh nhân tâm thần đi sui lắm. Bà má phải lục trong túi cậu kiếm chìa khóa.

Mợ Thị có thai nữa rồi. Thiệt khổ.  Nó hành mợ oằn oại. Sắc diện mợ chỉ còn phân nửa hồi trước.

Cậu Thị không hay vụ mợ xỉu cũng không hay chuyện thai nghén. Một bữa đá gà thua về ghé nhà người bạn nhậu con gà xác.  Xế chiều tới nhà biểu mợ dọn cơm. Mợ đang tắm cho thằng Quệnh ở nhà dưới nói chờ mặc đồ cho thằng nhỏ xong cái đã, không thôi nó lạnh. Cậu đón ngay cầu thang nhìn mợ ghìm ghìm. “ Bữa nay mày lý sự với tao hả” Cậu đá một cái mợ rớt từ sàn nước xuống đất. Cậu Thị bỏ mợ đó, đi kiếm người nhậu tiếp.

 Mợ nằm oằn oại giữa vũng trịn trên sàn nước. Bụng cấn vô mấy cục đá kê bướcđi trên lầy vào nhà. Bụng đau làm mợ không nhúc nhích nổi.

Đĩnh từ nhà bếp của mình phóng thẳng xuống đất, đạp lên rào quỳ xuống đỡ mợ lên.

-Mợ. Tôi không để mợ sống kiểu vầy nữa đâu. Lâu nay tôi nín nhịn lắm rồi. Tôi sẽ đưa mợ đi.

- Dính gì tới Đĩnh mà nói là nhịn. Đi chỗ khác. Tôi không có đi với Đĩnh đâu đừng có nghĩ khùng điên. Qua đây làm gì, tôi đã rào rồi không thấy sao?

-Một trăm cái hàng rào này tôi cũng đạp. Tôi biết mợ không ghét tôi mà. Tôi sẽ đưa mợ đi nơi nào mợ muốn.

- Dang ra.

Mợ Thị đẩy Đĩnh ra rồi gượng đứng dậy. Nhưng nửa chừng mợ nhăn mặt rồi quỵ xuống. Đĩnh bồng gọn mợ lên chạy re xuống xuồng. Má Đĩnh chạy theo kéo áo Đĩnh lại. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi bà thở dài buông áo Đĩnh ra.

Đĩnh bơi xuồng đi có cảm giác mình không muốn ghé đâu hết.

-Đĩnh nên để mợ chết ở nhà. Mợ đã đi một lần, cả đời ngóc đầu không được. Giờ mợ đi nữa mấy đứa nhỏ cũng bị tiếng xấu lây.

-Tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ đi. Tôi có thể nuôi mợ, nuôi ba đứa năm đứa cũng được. Mợ có thể nấu bún đốt lá sàngtro hay là làm bất cứ việc gì mợ thích. Nhưng tôi không để mợ khóc thầm.

-Đĩnh nghe được tiếng khóc thầm nhưng Đĩnh không biết vì sao mợ khóc đâu.

-Biết chớ. Vì tủi phận.

- Không

-Chớ sao mợ khóc.

- Vì mợ thương Đĩnh, thương cậu Thị.

-Thương sao khóc

- Hai người đều khổ như nhau.

Đĩnh thét lên.

-Nhưng tôi khác cậu.

Tôi sao mà giống cậu được. Tôi chỉ muốn giang thân che chắn cho mợ. Tôi không muốn nhìn thấy một cái nhíu mày. Một nét buồn phảng phất qua mặt mợ làm lòng tôi như sát muối. Sao mà giống cậu Thị được. Cậu Thị không phải đàn ông, cậu không phải là người.Giọng Đĩnh nghe rền hẳn lên.

-Nhưng cậu thương mợ.

- Mợ đang ảo tưởng. Mợ đang thèm một gia đình hạnh phúc và người chồng thương yêu chiều chuộng vợ. Mợ sẽ có tất cả, xứng đáng để có tất cả. Những điều đó mãi mãi không phải từ cậu.

Mợ không cãi nữa, nằm im rên nhè nhẹ. Rên như vậy là đang rất đau. Đĩnh biết mấy lần đau đẻ mợ chỉ nhăn mặt, cắn răng, chớ không rên. Bà mụ phải kêu mợ la lên đi chớ cắn răng, chừng già hàm răng đau nhức lắm. Đĩnh đưa mợ lên trạm xá.

Mợ đã ngủ, Đĩnh ra chợ mua cho mợ thêm mấy tên thuốc, một cái khăn lau mặt, vài bộ đồ. Khi về trạm xá mợ đã đi mất. Đĩnh chạy theo. Mợ đã về tới nhà. Người ta nói thấy mợ đi mặt như sắp lã đi. Ai giúp mợ cũng lắc đầu. Mợ bườn về tới nhà mình, gục bên cầu thang. Mấy đứa nhỏ còn đâu đó trong xóm. Cậu Thị còn say nằm ngáy trên chõng. Mợ nằm đó một mình.

Nhà trước nhà sau lá rụng xao xác. Lá nhiều kìa mợ, ngồi dậy mà gom lá đi mợ…

Người ta làm đám tang cho mợ. Cậu Thị vác chổi ra hè quét lá, thành đống thành đống, nổi lửa đốt. Tro cậu không sàngmà hốt rãi lung tung. Có bữa cậu hốt nhằm tro nóng, phỏng lốm đốm. Mấy đứa nhỏ phải đem ống quẹt giấu biệt. Người ta nói cậu quá si mê mợ nên ghen. Mà ghen nên ngu. Giờ thì không còn gì để hối hận.

Suốt đám tang mợ Thị Đĩnh nhăn nhăn như gặp bài toán khó, không dứt ra được.

- Má! Người vợ tốt như vậy mà bị ghen là sao hả má.

Đĩnh nói như là anh rất tỉnh, như một người ngoài cuộc vậy. Nhưng bà má nhìn thấy mặt anh đã bắt đầu có nếp nhăn dù anh mới chớm hai mươi.

-Con còn ngoài cuộc thấy vậy đó. Thử vô vòng với mợ, con không lo lắng ghen tuông thì con không phải đàn ông rồi. Cái đẹp của mợ dễ làm người đàn ông lú lẫn.

Đĩnh rãi lá gòn ra sân phơi. Cậu phải xay nhiều lá gòn vì mấy đứa nhỏ của mợ Thị cần phải ăn cơm. Mỗi lần nhìn đám lá xơ xác dưới nắng Đĩnh cười khặc khặc. Mình có ghen miếng nào đâu mà cũng ngu. Cứ hỏi tới hỏi lui, tại sao họ đối đãi nhau xám ngắt như cái màu lá khô này lại nói là thương nhau. Tình yêu nó chen lọt chỗ nào. Mà rõ ràng đám lá khô này xay ra lại có màu xanh. Màu xanh ở đâu ra. Cái thứ lá kỳ cục quá ta.Phải xây nhừ ra, nát bấy hết mới biết thật ra nó như thế nào.

Võ Diệu Thanh