Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CỬA THIỀN

     - Sắp đến nhà bà ngoại chưa mẹ?
  Nụ bỗng bước hụt, hơi thở phập phồng. Cô đã thấm mệt vì một tay xách chiếc túi nặng, một tay dắt, gần như là kéo con bé từng bước, từng bước qua những khúc quanh ghập ghềnh. Con đường lát những phiến đá nhỏ chen giữa các đám cỏ lưa thưa. Thay vào sự háo hức ban đầu về một chuyến đi chơi xa với mẹ, con bé đã bắt đầu phụng phịu, mè nheo, chốc chốc nó lại dậm chân kêu mỏi.
   "Bà ngoại" - Mặc dù cô vẫn luôn kể cho con bé về bà ngoại nhưng giờ đây khi cô trở về, bước chân trên những phiến đá xưa, câu hỏi của con bé làm cô váng vất. Vứt chiếc túi xách, ngồi thụp xuống kéo con bé vào lòng, cô lắp bắp gần như thầm thì với chính mình: “Bà ngoại - ừ bà ngoại… sắp đến rồi con…”. 
   Vuốt mái tóc tơ hoe vàng của con gái ngước mắt nhìn về phía lùm cây, xa xa thấp thoáng mái chùa nâu cũ kỹ, ký ức đưa cô trở về những ngày thơ ấu, khi cô nhỏ như con gái bây giờ.
  Cũng con đường này cô đã theo người đi hái thuốc, tháp tùng người vào làng bắt mạch, khám bệnh. Người thường đi trước tà áo nâu sồng bay theo những bước chân thoăn thoắt, nhẹ nhàng. Trong ký ức của cô, chưa bao giờ người nói to, từ những cử chỉ khoan thai khi làm lễ, thái lá thuốc hay cuốc đất trồng rau, dường như cũng không hề phát ra tiếng động. Ngay cả tiếng chuông, tiếng mõ cũng chỉ khẽ khàng hòa quyện trong tiếng đọc kinh ngân nga nghe như có, như không, lẫn trong tiếng gió thoảng, tiếng lá rơi ngoài sân chùa…

                                          *
                                      *       *

    Căn buồng mờ tối, giữa trưa nhưng dường như ánh nắng cũng không lọt qua được những vòm cửa thấp bé. Tiếng chim sâu lích chích trên cành khế ngoài cửa sổ làm sư thày khẽ động mí mắt, bà đã ngủ bao lâu, bà đang mơ hay đang tỉnh. Con bé lại chạy đâu rồi."Nụ… Nụ ơi!…". Chắc nó lại đang chạy chân sáo đuổi theo mấy con cào cào châu chấu, hay kiễng chân chọc mấy quả khế trong vườn sau chùa. tiếng nó ríu ran lanh lảnh.
  - Sao sư thầy không để tóc dài cho đẹp?…
  - Sao con không thể bắt con bướm ấy, nó đẹp vậy mà…
  -Thưa sư thầy, con có mẹ không, sư thầy có phải là mẹ con không?.…
   Đôi mắt nó long lanh ngước nhìn làm cho trái tim bà rưng rưng, nước mắt bà như muốn ứa ra. Bà ước ao có thể ôm lấy nó mà thốt lên một tiếng gọi: “Con ơi!!!”. Sư thầy không thể cất tiếng gọi khao khát ấy nhưng trong tim bà nó đã là máu mủ ruột rà, nó là niềm vui, là nỗi buồn đau, nó chính là hơi thở của bà. Sư thầy đã ấp nó vào lòng trong cái đêm đông lạnh giá ấy, cái đêm mà tiếng khóc ngằn ngặt của nó ngoài sân chùa đã đánh thức bà, bà đã ủ ấm nó, từng ngày đưa nó vào làng xin bú chực, bà đã ghì áp nó vào ngực bà khi đêm đêm nó khóc thét vì khát sữa, cái miệng nhỏ xinh rúc vào bầu ngực căng tròn của bà.
  - Tênh, tênh khéo… ồ! Lại ngã rồi, đánh chừa cái sân này, Nụ giỏi quá, nào buớc nữa nào.
  - Nụ ơi, con đâu rồi đừng chạy ra ngoài nắng nhé… Con uống bát thuốc này đi, rồi con sẽ hết sốt ngay mà. Nụ, con đâu rồi, con đừng bỏ ta mà đi…Nụ ơi….

                                        *
                                   *         *

  Cô cùng con gái bước vào sân chùa, cô nhìn quanh, sân chùa tĩnh lặng, lá vàng phủ đầy trên hàng hiên lát gạch nâu sậm. Ngày xưa ấy, sáng sớm cô thường cùng sư thầy quét lá, sau đó cô phải sang gian bên học bài, cô đã ngồi bên cạnh chiếc cửa sổ con con kia, mắm môi mắm lợi tô theo từng nét chữ của thầy, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhón gót chân đến gian giữa, ghé mắt ngóng vào lén nghe thầy đọc kinh.Thầy ngồi bất động trước bao nhiêu tượng phật, mắt nhắm nghiền, tay lần tràng hạt, chiếc áo nâu sồng phủ quanh thân hình thầy như những cánh hoa, trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến người cũng giống như một pho tượng nhưng sống động đẹp lạ lùng. 
   Nhiều lúc cô đòi sư thầy dậy đọc kinh, nhưng sư thầy bảo: con cứ học cho giỏi khi đọc thông viết thạo, nếu là tùy duyên con sẽ tự giác đọc mà nhập tâm. Người ôm lấy cô, vuốt tóc cô, ánh mắt xa xăm rồi thở dài bảo: “không được đi học, không có bạn bè thầy cô, con có buồn không?”. Cô không buồn vì, ngoài những lúc thầy đọc kinh cô thường được ở bên người.
  Còn gian bên cạnh kia, nơi thầy bắt mạch khám bệnh, bên chiếc bàn gỗ đơn sơ thầy đặt bàn tay trắng xanh lên bàn tay người bệnh, đôi mắt người nhíu lại lắng nghe từng nhịp mạch đập, ánh mắt  như người mẹ trước nỗi đau của con. Thầy dạy cô về các loại lá thuốc, giảng giải cho cô nghe vì sao phải cứu giúp mọi người khi gặp ốm đau, hoạn nạn, vì sao không được làm điều ác, không được sát sinh. Người nói nhỏ nhẹ, đôi mắt hiền từ nhìn cô. Lớn hơn chút nữa cô đã trở thành phụ tá bốc thuốc cho người.
   Xa xa phía trước cổng chùa là một làng nhỏ, người làng thường ngày rằm, mùng một mang hoa quả vào lễ chùa, ai cũng cúi chào thầy, thầy mỉm cười đáp lễ, có những buổi làm lễ cho làng, mọi người kéo đến rất đông, có nhiều trẻ con cũng đến, chúng đùa vui tíu tít, những lúc như vậy cô thường tò mò quan sát chúng. Cô thấy mỗi đứa trẻ đều gọi một người đàn bà như thầy là mẹ. Cô đã hỏi người:” con có gọi thầy là mẹ được không?”.Người ôm lấy cô nước mắt ướt cả má cô:” không được con ạ, con chỉ có thể gọi người sinh ra con là mẹ”. Sau này khi được theo thầy vào làng cô mới biết đứa trẻ con nào cũng có mẹ, có bố và cùng nhau sống chung trong một ngôi nhà. Sợ thầy khóc nên không dám hỏi nữa, nhưng tuổi thơ cô vẫn ám ảnh câu hỏi sao cô lại khác những đứa trẻ sống ở trong làng, cô có thầy nhưng lại không có mẹ và tự quả quyết với mình rằng cô vẫn có thể gọi thầy là mẹ nhưng chỉ là gọi thầm vì thầy sẽ không biết. Cô đã gọi và yêu người với tình yêu khao khát được bật ra một tiếng  gọi người :“mẹ ơi!”

                                      *
                                  *       *

   -  Không, thầy không thể xuống tóc con được.
   Nó ngồi dưới chân bà, mái tóc đổ dài. Mái tóc bao ngày sư bà đã đun lá sả, hương nhu bồ kết, giội từng gáo nước cho nó gội đầu, ngắm nhìn mái tóc đen nhánh mượt mà của nó, sư bà như thấy lại được mái tóc chính mình, dưới tấm áo nâu sồng, dáng vóc thiếu nữ căng tròn nẩy nở, sư bà nghẹn lòng:”nó không thể chôn vùi tuổi thanh xuân ở nơi này được nhưng biết để nó đi đâu”. Câu hỏi cứ nhức nhối trong lòng bà. Sư thầy âm thầm nhờ người mai mối, nhưng khi biết có người đến hỏi, nó đã khóc như mưa, nhất quyết đòi xuống tóc…"Nụ, Nụ ơi…tóc của con…". Sư thầy quờ quạng tay, bàn tay sư thầy ướt lạnh cố giơ lên như níu giữ…
   Sợ phải xa bà nó nhốt mình trong phòng không ăn, không uống rồi dọa nếu bà còn ép nó phải bỏ sư bà mà đi nó sẽ ăn lá ngón khiến bà phải xuôi lòng. Nhưng sư bà vẫn nhất quyết không thể xuống tóc cho nó được. Nó khép mình trong việc chùa, dù sư bà không dạy nó cũng tự học kinh, gõ mõ, nó học bà ăn rau răm ...Trời ơi!.Nghe tiếng mõ, tiếng kinh  của nó lòng sư bà xót xa vì tiếng kinh, tiếng mõ sao nghe vẫn nặng kiếp trần gian thế, đôi mắt nó vẫn ngời ngời, ướt rượt trần tục thế và cái dáng vóc dù khoác chiếc áo nâu gụ vẫn không che được những đường nét thanh tú, nảy nở, quyến rũ khiến bà không thể...Con ơi! Con được gửi nơi cửa chùa, trời đã trao con cho ta nhưng số con trời đã không định đường tu, ta đã yêu con như con ta dứt ruột đẻ ra, con đã bị thiếu thốn từ tấm bé, ta không có gì cho con , ta chỉ có thể tìm cho con một mái ấm, hòng mong bù đắp cho con, nước mắt bà lặng lẽ rơi…

                                            *
                                         *     *

  -Nụ… Nụ ơi!!!!!!!. 
  Cô mơ hồ nghe tiếng gọi, một linh cảm nào đó dội vào tim, ríu cả chân cô băng chạy về chốn trai phòng của sư thầy. Sư thầy nằm đó xanh xao, trên đôi môi tái nhợt vẫn mấp máy thều thào gọi tên cô. Ngã phủ phục trước giường cô nấc lên nghẹn ngào:”Con đã về đây, xin người lượng thứ vì con về khi đã quá muộn”. Úp mặt vào bàn tay đã bắt đầu giá lạnh của người nước mắt tuôn rơi, trái tim cô như òa vỡ: 
Thầy ơi!.Con đã bỏ người mà đi trong oán trách, sao con lại có thể không hiểu được tấm tình của người.Con đã về đây, xin thầy hãy tỉnh dậy nghe một lời xin lượng thứ của con. Sao người lại làm vậy để buộc con phải bỏ người mà đi. Bây giờ thì con hiểu không hề có gói vàng ấy, đó chỉ là chuyện thầy dựng lên để con phải đau khổ mà xa thầy trong oan ức, trong nỗi ai oán, con ra đi không một lần ngoái lại, nhưng trong sâu thẳm trong lòng con vẫn khôn nguôi thương nhớ người, thầy ơi thầy hãy tỉnh lại nghe lời con nói…Con đã đưa con của con về đây …Xin cho cháu một lần được gọi ngoại - Ngoại ơi!!!!!!!”

                                                   *
                                               *       *

 Bà biết người đó là một thầy giáo nhà dưới huyện, gia cảnh không giàu sang nhưng tốt nết. Một lần đưa mẹ lên khám bệnh gặp con bé, thầy đã tỏ ra quyến luyến, qua ánh mắt nó nhìn con bé.Cái cách nói năng nhỏ nhẹ từ tốn, cách chăm sóc người mẹ già đã làm sư bà quý mến cậu giáo. Sau lần ấy cậu thường đến với nhà chùa khi thì ghánh nước đổ đầy các vại. Khi thì gom củi, thái thuốc. Sư bà biết tất cả việc đó vì con bé.Con ơi… Nụ ơi ! ta phải làm gì cho con đây…

  Con ơi, giờ con ở đâu, lần đầu tiên trong đời ta nói dối, lần đầu tiên trong đời ta làm điều ác lại là với con, chỉ vì ta yêu con, con còn hận ta nữa không, xin con hãy hiểu và tha thứ cho ta. Con ơi… con ơi… Sư bà lại giơ tay chới với bật lên tiếng gọi và từ một nơi xa thăm thẳm bà nghe mơ hồ tiếng nó gọi : Mẹ…Mẹ ơi… con đây…Sư bà như trôi trong một giấc mơ, con bé mặc chiếc váy hoa, đôi chân hồng nhỏ xíu đang chạy đến với bà miệng nó hét váng lên ;”Mẹ ,Mẹ ơi”.Sư bà ra đi thanh thản trên môi là một nụ cười rạng rỡ.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nắng ơi !

Đừng nhạt nữa

nắng ơi !

ta sợ sẽ hồ nghi nắng chưa hề có thật

ngang ngạnh cố dằn lòng thầm nhắc

nước mắt không chảy từ tim 

hoàng hôn buông thăm thẳm lặng im

đóng chặt cánh cửa để ngỡ mình còn đang chờ đợi

tự mình huyễn hoặc

tự mình gian dối

sau cánh cửa kia se sẽ tiếng bước chân

sau cánh cửa kia vời vợi ánh mắt tìm

vẫn biết sau cánh cửa chỉ một vùng nắng nhạt 

.......

Ta không thể buộc mình nghĩ khác

bởi giọt nước mắt nào cũng đều chảy từ tim 

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

CÓ CỌNG MÂY BỒNG CHIỀU THÁNG CHẠP



Có cọng mây bồng chiều tháng chạp
Vướng chân trời lạnh cóng đợi mùa giêng
Nghe lá trút nỗi niềm hoài lộc biếc
Ngó nhà ai khói hạnh phúc xanh thềm

Có cọng mây bồng về thưa nắng
Bấm đốt tay thời khắc tiễn ngàn xa
Ghé quán vắng buổi giang hồ tuổi cạn
Ngồi thu lu ngóng phố nhẩm lòng ta

Cánh cổng xiêu năm nay ai sơn lại
Tấm chiều bông ai trải thẳng mẹ nằm
Vui mắt người ai xum xoe áo mới
Ai chưa về tóc mẹ sắp trăm năm

Cổ ba ngấn áo vàng em nhỏ phố
Môi biếng cười má nhạt phấn kiêu sa
Nhánh mai gầy sẽ tuốt giùm lá cũ
Tết năm nay thương mẹ ghé xông nhà?

Huynh đệ đấy mỗi người chia mỗi ngã
Tháng chạp này thảng hoặc gọi tên ta
Say ngất ngưỡng hay áo cơm tất tả
Vỡ mộng hoài dăm đứa vết trầm kha

Có cọng mây bồng chiều cuối chạp
Phủi tay đời phủi ước vọng hào hoa
Canh rượu vãn nỗi niềm lan man khuất
Gió khều vai mùa nhắc sắp giao mùa

  Nhớ, chẳng biết nhớ gì. Mang mang, chùng chình một khúc nào đó xa lơ xa lắc mà lại thật gần, bổi hổi bổi hồi như mới hôm qua. Mà lạ, cái nỗi nhớ dường như cũng đi mượn ấy mà sao nhớ thế. Không khắc họa lại một khuôn mặt, không để lại một cái tên. Ta chẳng có gì ngoài bài thơ người để lại . Ai ơi !
   Một "cọng mây bồng..." tưởng tượng mãi không ra, nhưng lại hình như có một khi nào đó đã từng nằm giữa lòng tay, trong ánh mắt mòn mỏi tít tắp cuối chân trời hay ngút ngát tuổi thơ xa ngái nào đó chẳng hiểu nữa. Chỉ biết là nhớ... Nhớ đến ứa nước mắt...
Có cọng mây bồng chiều tháng chạp
Vướng chân trời lạnh cóng đợi mùa giêng
Nghe lá trút nỗi niềm hoài lộc biếc
Ngó nhà ai khói hạnh phúc xanh thềm

    Khắc khoải bước thời gian, khắc khoải lòng người. Đếm và đợi hình như ai cũng có cái cảm giác nôn nao ấy, khi chầm chậm cái thời khắc cuối cùng của một năm dần đến. Đợi trong cái buốt giá và cô quạnh ... "Nghe lá trút nỗi niềm hoài ...". Câu thơ nghe chừng vương vướng, bùi ngùi không gọi nổi thành tên để mà tiễn biệt ngày đi, mùa đi. Để rồi lại phấp phỏng chờ đợi ngày mới, chờ đợi mùa đến, đợi lộc biếc mùa xuân xênh xang, đợi hạnh phúc ngập tràn. 
   Nhưng sao lại là từ:" Ngó..." ngậm ngùi sao sao ấy. Sao không phải là từ mơ , là từ ước cho nó đỡ cay mắt, đỡ chạnh lòng chứ ... Ai ơi !.
Có cọng mây bồng về thưa nắng
Bấm đốt tay thời khắc tiễn ngàn xa
Ghé quán vắng buổi giang hồ tuổi cạn
Ngồi thu lu ngóng phố nhẩm lòng ta
   Xin ai ơi đừng đếm, đâu còn là tuổi cộng, tuổi thêm của con trẻ mà đã là :" tuổi cạn  là tuổi trừ, tuổi để đếm ngược từng bước thời gian. Cái tuổi ngỡ như đã trải hết, đã hiểu hết cuộc đời đến vậy, đôi khi lại trơ khấc như sỏi đá tự hỏi lòng những điều ngây ngô. Xin đừng đếm, đừng đếm . Ai ơi !.
Cánh cổng xiêu năm nay ai sơn lại
Tấm chiều bông ai trải thẳng mẹ nằm
Vui mắt người ai xum xoe áo mới
Ai chưa về tóc mẹ sắp trăm năm
   Có người đã viết " yêu quê hương qua một nét lông mày". hay "quê hương là chùm khế ngọt ". Còn quê hương của người là cánh cổng xiêu, là tấm chăn bông ... là Mẹ. Quê hương ơi sao thương thế, đằm đằm ở đâu đó trong trái tim người. Tôi không phải xa mẹ mà đọc câu thơ này bỗng muốn ngay về bên mẹ hay ít nhất cũng nhấc điện thoại lên để nghe được giọng mẹ. Người ơi!
   Một loạt câu hỏi " ai" Nghe sao buốt nhói, nghe như giục giã những ai còn mải mê đâu đó...  "Ai chưa về tóc mẹ sắp trăm năm...Sao lại là "tóc" mẹ sắp trăm năm mà không phải là tuổi mẹ sắp trăm năm, có ai yêu mẹ hơn thế được không... Biết đời người hữu hạn, mà với người "tóc" mẹ ..sắp trăm năm đã đủ làm người đau lòng lắm phải không. Ai ơi!.
Cổ ba ngấn áo vàng em nhỏ phố
Môi biếng cười má nhạt phấn kiêu sa
Nhánh mai gầy sẽ tuốt giùm lá cũ
Tết năm nay thương mẹ ghé xông nhà?
  Quê hương còn là em gái nhỏ,  vời vợi mà gần gũi nhắc nhớ thân thương như cái áo vàng ngày nào vẫn còn đâu đó chấp chới không nguôi trong trí nhớ người ra đi chưa hẹn được ngày về. Em có đợi , em có chờ người không mà : " Môi biếng cười má nhạt phấn kiêu sa "Nhánh mai gầy có tuốt giùm.... câu hỏi bỏ lửng đó gửi cho em gái nhỏ hay nhành mai như một lời nguyện ước, như một sự hàm ơn, như một lời tạ lỗi với quê, với mẹ, với em... 
  Người về đi, ngày sắp hết, năm sắp cạn, xuân sắp tới rồi . Ai ơi !
Huynh đệ đấy mỗi người chia mỗi ngã
Tháng chạp này thảng hoặc gọi tên ta
Say ngất ngưỡng hay áo cơm tất tả
Vỡ mộng hoài dăm đứa vết trầm kha

Có cọng mây bồng chiều cuối chạp
Phủi tay đời phủi ước vọng hào hoa
Canh rượu vãn nỗi niềm lan man khuất
Gió khều vai mùa nhắc sắp giao mùa
  Người đi muôn dặm hải hồ, thỏa chí trai xây dựng cơ đồ.Một ngày bước chân mỏi mệt, đôi mắt buồn ngó về chốn xa xưa. Ai còn nhớ, ai đã quên, ai đã nên danh, ai còn lận đận... một chiều nao xốn xang  tha thiết quá, nhớ mênh mang...
  Về đi thôi cọng mây bồng ... đà cuối chạp. Bụi đời cùng ước vọng đà phủi, canh rượu cũng đà vãn....Mắt mẹ vời vời ngóng trông...
  Về đi thôi cọng mây bồng... xuân đang tới. Gió nhắc rồi ....Vẫn còn kịp một tiếng gọi sang đò. Biết hay chăng ....Ai ơi !

Ta đọc lại bài thơ này của người đã bao lần và ta khóc, ta nhớ tuổi thơ, ta nhớ mẹ và ta ... nhớ người . Ai ơi !



Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chỉ có chúa mới hiểu

Chúa thổi hồn vào người đàn bà
trong một đêm hoang lạnh
chỉ có những vì sao lấp lánh
chiếu rọi 

sáng soi
người đàn bà mồ côi
được sinh ra từ chiếc xương sườn cứng cáp
hồn hoang liêu mong manh như muôn vì sao lưu lạc

đam mê 
khao khát
hướng về phía bình minh
Tuyệt vọng
hồi sinh


Ôi những người đàn bà 
không hiểu nổi chính mình

chỉ có Chúa mới hiểu !...

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Lãng quên mùa đông

Hãy xiết em thật chặt
cuộn tròn em tựa con sâu trong cái kén
ngủ ngoan lành


Hãy tan chảy em
ủ ấm em bằng đôi môi anh
lãng quên
trôi vào đêm vô cùng vô tận ...

Em sẽ khép chặt đôi mi
lòng không còn thắc thỏm

chiếc lá bàng cuối cùng ngoài khung cửa kia bao giờ sẽ lìa cành

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Đợi !

 Em vẫn chờ
 dẫu biết người chẳng tới
 em vẫn đợi
 dẫu biết người không qua
 tình như một tách trà
 đã nguội 
 sao không thể đến với nhau
 lần cuối
 dù những lời xát muối
 làm tan nát lòng nhau
 để con tim chết một lần đau
 em thôi 
 không một mình
 ngóng đợi...!

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

TỨ KHÔNG TUYỆT

1-


Thật như nắng giữa lòng tay
hư cơn gió thoảng vừa đây xa rồi
thật tưởng giữ được lại rơi
hư hư thật thật có rồi lại không

2- 



Ngả mình nằm trên đất
Đẫm ướp hương cỏ cây
Buông lợi danh được mất
Hồn hóa thành mây bay

3-

Hỏi sao sóng cồn cào không dứt
Sóng trước chưa lặng cồn sóng sau
Nỗi đau nhấn chìm nơi đáy bể
Kiêu hãnh dâng lên ngẩng cao đầu

4-

Đích còn xa phía trước
Cuộc đời là cuộc đua
Tuổi già ngay trước mặt
Ngẫm hóa ra cuộc đùa

5-

Ra đi dẫu trăm ngả
Chỉ một lối quay về
Hương bưởi níu đầu ngõ
Cỏ may níu chân đê

6-


Xin hãy như dòng sông

Tự cuộn chảy để thấy mình tươi mới
Hãy như nhành non xòa vào mưa tắm gội
Xanh mỡ màng gột rửa hết bùn nhơ

7-


Hư không một chiếc lá rơi

Hư không về đất một đời long đong
Buông rơi vào chốn mênh mông
Tiếng chuông chùa vẳng hư không kiếp người

8-



Đào tuốt lá trơ thân gầy guộc
Cành khô run trong gió heo may
Âm thầm chắt chiu mầm nhựa sống
Đợi xuân nhú lộc nụ hây hây

9- 


Phông kéo lên rồi vào từng vai cười khóc

Cao cả, đớn hèn, ti tiện, tham lam
Rời sân khấu ánh đèn vụt tắt
Chỉ còn nửa ta với một nửa vầng trăng


10-
Ba vạn sáu nghìn ngày

Trăm năm
Một cõi
Không tự tìm thấy mình giữa những mảnh vụn đời

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Tôi muốn ...

Tôi muốn được muôn nẻo lang thang
vẹt đôi hài vạn dặm kể chuyện trần gian
những câu chuyện có thật và không có thật
có niềm tin đánh rơi mà không mất
một ngày nào sẽ về lại vẹn nguyên
cho những điều tốt lành lại được hồi sinh
câu chuyện không có Lý Thông tranh công lừa lọc
không có mụ gì ghẻ nhẫn tâm ác độc
chim không đến đảo vàng mà chỉ hót ríu ran...

Tôi muốn được muôn nẻo lang thang
kể những câu chuyện giữa đời thường đẹp như cổ tích
cho trái tim người còn biết ngân lên khúc hát
sông suối mát lành hoa cỏ vẫn xanh tươi
cho yêu thương còn mãi trong đời
cho hạnh phúc nụ cười luôn là câu kết
hoang mang lắm những giật gân chém giết
ngày ngày nhan nhản khắp nơi nơi
tôi sợ lắm cái vô cảm loài người
và cái sợ nhất là không còn biết sợ
em hỏi tôi tình yêu thương có còn không đâu đó
khi em nhìn đâu cũng chỉ thấy Lý Thông....

Tôi muốn được muôn nẻo đường làm người kể chuyện rong
mang đến tặng cho em ba hạt dẻ
một chút nhỏ nhoi thôi giữa bao câu chuyện kể
để tôi nhìn lại cuộc đời qua đôi mắt em trong ...

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA TÔI

Tôi đi tìm
người đàn ông của tôi
chưa được sinh ra đời
hay còn lạc trong một hành tinh khác
Comle, cravat...
làm sao tôi biết được
đâu một nửa yêu thương
Tôi đi tìm
chủ nhân của chiếc xương sườn
Thượng Đế trót bỏ quên một ngày đông giá

Tôi đi tìm
giữa nhân gian xa lạ
vô cảm, xơ cứng những khuôn mặt người
những mảnh ghép rã rời
xuôi ngược
ngược xuôi
trò trốn tìm cút bắt
góc biển chân trời hay ở ngay trước mắt
dằng dặc cõi mê
Tôi không tròn trịa nên chắc người cũng thế
ngàn năm rồi có lẻ
Chúa ơi !
...

Tôi đi tìm
người đàn ông của tôi
sao vẫn chưa ra đời ?

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Ừ!...

Ừ!...
nếu em là tuyết
anh có dám nắm lấy em thật chặt
dù buốt lạnh thấu xương

Ừ !...
nếu em là lửa
anh có dám nắm lấy em thật chặt
dù biết lắm tai ương

Ừ!...
nếu em là độc dược
anh có dám thử không
dù biết là cái chết

Ừ!...
em không biết
em sẽ là gì
khi vỏ thị bị xé nát tan

Ừ!...

hay
không ?


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Cõi ta bà

    Dì Thương ơi! Có người kiếm nè…
Sau hàng rào thưa, một ngôi nhà ngói thấp lè tè đã sỉn màu thời gian, bức tường loang lổ bởi những miếng vữa rụng rớt từ khi nào, rêu phủ lên như những miếng vá. Một cái sân gạch lởm chởm, cỏ loi nhoi giữa đường đi như không thèm để ý bước chân người nhỡ chả may xéo giập. Bên hiên một đám hoa cải ngồng vươn cao, những bông cải vàng nhức trong cái nắng hanh hanh nhòa nhợt, một cơn gió đầu đông cuộn xoáy những chiếc lá tre xoay tròn vướng cả vào đôi chân trần thon nhỏ trắng muốt như chân trẻ con đang đong đưa đùa nghịch….Nó xăm xăm bước tới…
   Người đàn bà ngẩng nhìn lên, một khuôn mặt gầy gò, nhỏ nhắn, đôi mắt mở to không một vết gợn thời gian, không một vết bụi trần tục, đôi mắt dài dại hoang mị, lại có phần giống mắt của một đứa trẻ thơ trong veo lạ kỳ. Một người đàn bà bị nhốt lại ở tuổi thơ... Đất dưới chân chao đi, nhẹ bẫng. Nó như một quả bóng căng hết cỡ đột ngột bị tháo nút buộc, oải xì xuống lâng châng…. Nó đã bừng bừng phẫn uất, nó đã nhức nhối hận thù, nó đã ngồi trên cái xe ô tô chật như nêm cối, cố gắng để không nôn mửa thốc tháo, cố gắng không bật khóc mỗi khi chiếc điện thoại rung lên báo có cuộc gọi của bố hoặc của mẹ, cắn môi đến rát bỏng, nó không muốn nghe gì hết, nó không muốn tiếp tục xem màn kịch của hai người mà nó yêu thương nhất trên đời. Nó vượt qua tất cả với một điều mong muốn duy nhất đó là đến tận cùng của sự thật …
   Sự thật là đây ư?....Nó chếnh choáng quay người dợm bước bỏ đi nếu không nghe thấy tiếng gọi u… ơ…. như reo vui, như chào đón tha thiết nao nao….Lưỡng lự nó bước về phía người đàn bà giọng lạnh tanh: “ Tôi là  con bố Hải! ”
- Bố Hải ! Bố Hải!...
   Người đàn bà đứng bật dậy hai bàn tay bé nhỏ nắm chặt khuỷu tay nó mà lắc, miệng nhoẻn cười hồn nhiên, rồi nhìn ra sau lưng nó như kiếm tìm ai đó, tim nó nhói đau, chắc là cô ta đang ngóng chờ bố nó... Nó ngồi bệt xuống hàng hiên mệt lả, chẳng còn biết làm gì nữa, dấm dứt, nước mắt vòng quanh….


                                                  *

-         Này mày biết gì chưa ?
-         Gì đấy
-         Chồng bà Lan có bồ
-         Ông Hải á, Tao không tin
-         Bà ấy xinh đẹp, giỏi giang, yêu chồng con, họ hạnh phúc thế kia mà, hay bà ấy sắp lên chức phó giám đốc viện nên có kẻ đưa tin vịt đấy
-         Không, tao có nguồn tin cậy, ông Hải tốt đến thế, ai tin nổi nhỉ ?
-         Mà mày biết gì không, cô ta còn trẻ lắm mới ngoài ba mươi thôi mà. Tin này mới giật gân nè, cô ta bị bệnh, chính bà Lan đang chữa trị cho cô ấy… tao đã gặp rồi…mà mày có thấy không dạo này bà Lan xuống sắc lắm, bà ấy giỏi tự chủ để che mắt thiên hạ thôi, có mấy người đàn bà cứng rắn, mạnh mẽ và tự tin được như bà Lan đâu, thế họ mới lên lãnh đạo được chứ, cứ như chị em mình có mà đầu chày đít thớt, làm đầu sai vặt mãi thôi…
-         Tao không tin, làm gì có chuyện chữa bệnh cho người tình của chồng, dù có là thánh sống cũng chịu, tao ấy á, cho một mũi tiêm… ngủ suốt trăm năm ...
-         Cá không, nếu đúng thì một chầu mệt mới về nhé, xong không ?…. Hihi…haha…
   Họ đang nói về mẹ Lan và bố Hải của nó. Nó nín thở, tim đập thình thịch, cố giỏng tai để nghe nhưng cả hai đã bỏ ra khỏi phòng mà không biết nó ngồi ngay trên giường của bệnh nhân khuất sau tấm ri đô chờ mẹ với cuốn sách trên tay….


                                                           *


   Nó không tin, không bao giờ tin. Nó là một cô công chúa trong vương quốc êm ấm và hạnh phúc, nó không tin, không bao giờ tin những kẻ bịa đặt, nhưng trong sâu thẳm một mối nghi ngờ nhen lên….
  
    Chưa biết thế nào là tình yêu nhưng nó đã bước vào cái tuổi nhậy cảm nhất, tình yêu với nó là một điều thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất. Nó thấy mình như bị xé nát khi biết tất cả chỉ là lừa dối. Một màn kịch hạnh phúc đang được diễn rất tài tình, khéo léo….
   Mẹ nó đẹp, một vẻ đẹp không rực rỡ nhưng mặn mà, đặc biệt mẹ nó có một phong thái đường hoàng đĩnh đạc từ dáng đi đến giọng nói, không khi nào nó thấy mẹ nó cười to cũng như nói to, hình như tất cả đều thành chuẩn mực bất di bất dịch. Nó yêu mẹ, rất yêu mẹ. Mẹ chu đáo từ giấc ngủ đến bữa ăn cho hai bố con.
   Mẹ nó giỏi, thạc sĩ rồi tiến sĩ y khoa, sau tất cả nỗ nực cố gắng mẹ sắp được đề bạt lên chức phó giám đốc viện, tất cả đều được mẹ sắp xếp như lập trình có sẵn, không thể khác. Khi mẹ đã đề ra cái đích phải đến thì không có trở ngại nào có thể ngăn nổi mẹ, mẹ cứng rắn nhiều khi đến lạnh lùng. Nhưng có một điều nó tin mẹ nó rất yêu hai bố con nó , yêu theo một cách … chuẩn mực!.
   Mẹ luôn dạy nó không được nói dối, trung thực với chính mình và với mọi người… Vậy mà mẹ lặng im trước câu hỏi của nó với câu giải thích : “ việc của con là học, lớn lên rồi con sẽ hiểu…” Lớn ư, nó lớn bằng cách nào đây? Sao mẹ nó không gào thét hay chí ít cũng rỏ một vài giọt nước mắt thôi nó sẽ còn thấy tin vào một cái gì đó ví hẳn như mẹ vẫn còn yêu bố, mẹ đang đau khổ vì bố nó. Đằng này mẹ vẫn dửng dưng như cái chuyện bố nó có bồ là chuyện nhỏ, chỉ có công danh sự nghiệp của mẹ mới là quan trọng. Sao mẹ nó phải giả vờ cao thượng khi chữa bệnh cho cô ta, hay là mẹ chỉ vì mẹ, mẹ cần chứng minh điều gì… nó đau ran rát, nghẹn từng hơi thở trong chính cái căn nhà …hạnh phúc…
  Còn bố nó luôn luôn với nụ cười ấm áp, ân cần, mỗi lời nói, mỗi việc làm đều ăm ắp yêu thương vô bờ. Bố quan tâm, bố tốt với tất cả mọi người xung quanh như một điều tất yếu. Vầng thái dương của nó, nó tin, nó yêu, nó trọng như vị thánh sống của riêng nó… vậy mà, đôi mắt bố đã lảng tránh cái nhìn của nó, đôi mắt của một kẻ tội đồ ….

                                                     *

    Không hiểu sao nó lại ngoan ngoãn bước chân theo người đàn bà đó như thể bị thôi miên khi người đàn bà chìa tay về phía nó, nắm lấy bàn tay nó rồi dắt vào nhà. Chắc không phải do trời chiều đã chạng vạng, không phải do nỗi sợ đêm nơi đất lạ, nó cũng đã từng đi Thanh niên tình nguyện ở những nơi còn heo hút hơn thế này, chỉ cần một câu chào ngọt lịm, chỉ cần nụ cười tươi là nó dễ dàng tá túc qua đêm ở một căn nhà lạ mà vẫn an toàn.
   Căn nhà âm ẩm tối, sạch sẽ bởi không có đồ đạc gì ngoài cái giường ngủ và cái tủ nhỏ nhắn, một cái bàn đọc sách, một tủ sách với cơ man là sách, nhiều vô kể. Nó nhận ra trên bàn có mấy cuốn sách chuyên nghành và cuốn từ điển tiếng Anh của bố, tim nó lại nhói lên. Người đàn bà để nó lại đó sau khi ấn tay nó vào mấy cuốn sách và nói :” Anh Hải, anh Hải… của anh Hải…” . nó lơ đễnh lật mấy trang sách, tập tài liệu về công trình nghiên cứu bố làm dở ở ngay trên cùng chứng tỏ bố cũng mới về đây. Thảo nào dạo này bố cứ đi công tác suốt. Nó thấy một tập album lẫn giữa những tập sách, mở ra, nó vô cùng ngạc nhiên ngay tấm ảnh đầu tiên là một tấm ảnh một người đàn ông khắc khổ với nụ cười hiền hậu, Một cô bé chừng mười ba, mười bốn tóc xõa ngang vai, khuôn mặt nhỏ nhắn với đôi mắt to đen lay láy đúng là người đàn bà mà nó đi tìm và một người nữa không ai khác chính là bố. Trong ảnh bố nó còn khá trẻ, khoảng hai lăm , hai bảy tóc bồng bềnh nhưng nụ cười ấy thì không có gì đổi khác. Nó lật tiếp và càng ngạc nhiên hơn nữa, nó cảm giác như nó đi ngược lại thời gian về với tuổi thơ của bố nó. Có những bức ảnh bố nó mới chỉ là một chú bé, chân đất, áo quần xộc xệch, còn cô ta mới lẫm chẫm biết đi. Cô ta là ai, có ruột thịt máu mủ gì với nó không, sao bố mẹ nó phải giấu nó, câu hỏi cứ lớn dần lên làm đầu nó ong ong. Nó phải hỏi người đàn bà đó, mà cô ta có vẻ ngơ ngơ vậy thì hỏi sao đây.
   Nó đi về phía chái nhà nơi có tiếng bát đũa lách cách và chợt nhận ra chắc chắn là còn phải có người khác ở cùng trong căn nhà này vì một người dở dở như vậy thì làm sao tự lo được cuộc sống hàng ngày. Đúng như nó suy nghĩ, một người đàn bà khác đã đứng tuổi đang lúi húi bên bếp lửa, thấy nó vào bà ta không ngạc nhiên, bà dịu dàng hỏi : “ Cháu là con ba Hải phải không, cháu rất giống ba, nhất là nụ cười… đi rửa chân tay đi còn ăn cơm…” . Bác biết chắc cháu còn nhiều điều muốn hỏi. Thôi cứ ăn uống xong đã, rồi có gì bác sẽ nói.
    Tối đó khi Dì Thương đã ngủ, bác Hòa ( người đàn bà ở cùng ) đã kể cho nó nghe tất cả. Thực ra bác hòa cũng là chị Họ bên ngoại của bố nó, bác kể:
    Bà ngoại cháu mất từ khi bố cháu mới lên ba, lên bốn tuổi, ông ngoại tái hôn với một người đàn bà sắc sảo nhưng không biết thương con chồng, thường đay nghiến mắng chửi và để cho bố cháu nhịn đói, Cụ ngoại thương bố cháu quá mới đón về nuôi, đây chính là quê của cụ ngoại. Cụ nghèo chỉ có rau cháo nhưng cụ thương bố cháu nhất mực, khi bố cháu đến tuổi đi học cụ không có tiền để lo sách bút quần áo, đành ngậm ngùi thương cháu mà chẳng biết làm sao. May gần nhà có một thày giáo trên trường huyện thương bố cháu thông minh, nhanh nhẹn kèm cho học vào các buổi tối, thầy bỏ tiền mua sách bút, rồi đóng cả tiền học cho bố cháu, thầy thương yêu bố cháu như con.  Rồi thày lấy vợ sinh được dì Thương, xinh đẹp, học giỏi. Bố cháu hơn dì Thương mười hai tuổi nhưng  thương nhau như anh em. Lớn dần bố cháu cũng làm lụng rất nhiều đỡ đần cho cụ và vợ chồng thầy giáo. Cụ mất, rồi chẳng may dì mới lẫm chẫm vợ thầy cũng mất, thầy ở vậy trông nom nuôi nấng cả hai anh em, bố cháu càng thương dì vì cũng mồ côi mẹ như mình, bố chăm chút cho dì thương từng li từng tí. Chính vì thế khi bố cháu đỗ vào đại học rồi ra Hà Nội học thì tự nhiên dì cứ buồn rầu biếng ăn, chán học cho đến ngày bố cháu về đưa thiếp mời cưới thì dì bỏ đi đâu cả ngày, ông giáo hốt hoảng đi tìm khi thấy dì thì dì đã ra như vậy ngơ ngơ ngẩn ngần, cười cười khóc khóc. Lúc đó mọi người mới hiểu dì yêu bố cháu mà không để ai biết kể cả bố cháu, bố cháu nghĩ dì vẫn là trẻ con và coi dì như em gái vì lúc đó dì mới đang học cấp ba.
    Cách đây hai năm thì ông giáo mất. Trước khi mất ông thương dì ở lại bơ vơ một mình, họ nhà nội ngoại đều không còn ai, ông đành nhắn tin bố cháu về, một phần gửi gắm dì, một phần cũng biết mẹ cháu là bác sĩ chuyên về chữa trị tâm lý nên ông muốn cậy nhờ bố cháu lo chữa trị cho dì giúp ông. Bố cháu không thể đưa dì ra ngoài ấy ở, cũng không về ở đây được, bố cháu tìm nhờ bác, bác cũng có con nhưng các anh chị có gia đình con cái lớn cả rồi, bác cũng thương dì lắm nên đồng ý sang trông dì giúp cho bố cháu, mọi khoản sinh hoạt của bác và dì có bố cháu lo. Bác thì bác biết không có thuốc nào bằng sự có mặt của bố cháu, mỗi khi bố cháu về dì vui tươi hớn hở, dì ăn nhiều hơn, cười nói gần như người bình thường, có lúc còn xuống giúp bác nấu cơm cho bố cháu ăn, trí nhớ cũng phục hồi rất nhiều. Nhưng khi bố cháu đi thì dì lại rơi vào u buồn, dì ngồi cả ngày chẳng nói năng gì, đôi khi muốn ép dì ăn bác cũng phải giả giả vờ nựng như trẻ con là ăn đi thì chú Hải sẽ về, lúc nãy nghe cháu nhắc tên bố dì mới vui như vậy đó, tội nghiệp dì cứ tưởng bố cháu về …..
    Nó tỉnh dậy, không biết bằng cách nào mà nó ngủ, một giấc ngủ an lành, mọi mệt nhọc, ấm ức, nặng nề tan biến, như thể nó vừa trở về từ một thế giới khác. Không gian tràn ngập một mùi hương tinh khiết mà nó không biết chính xác là mùi gì, mơ hồ tiếng lá xao xác hình như của rặng tre sau nhà, mà có thể là tiếng ruộng lúa đang trở mình thở. Dì thương đã dậy từ lúc nào ngồi lặng phắc ngoài hiên. Nó biết dì chờ đợi ai, dì đã ngồi như thế bao ngày cùng những giọt sương sớm, cùng sợi nắng tắt lúc chiều tà, nghe trong  gió lay tiếng bước chân một người mà chỉ có dì mới nghe thấy, mới cảm thấy. Nó muốn ôm lấy dì mà dỗ dành : “ Dì ơi ! Bố Hải sẽ về….”.
   Điện thoại của nó báo có tin nhắn, mẹ viết : “ Mẹ biết rằng con sẽ về nơi ấy, mẹ cũng đã về gặp dì, mẹ cũng đã ngủ trên chiếc giường con vừa ngủ, mẹ cũng muốn ôm lấy dì như con bây giờ…Mẹ hiểu tất cả bởi mẹ yêu bố con. Con đi về cẩn thận, mẹ yêu con rất nhiều! ”.
   Tình yêu thật diệu kỳ, tình yêu mang đến những điều tưởng như không thể, xóa bỏ những nhỏ nhen, ích kỷ. Chỉ có tấm lòng bao dung , độ lượng mới có được tình yêu đích thực như bố, mẹ, dì của nó.
   Ban mai ửng hồng lên từng nhành cây ngọn cỏ, những tia nắng đầu tiên bao quanh, ủ ấm như một vòng hào quang quanh người đàn bà như một thiên thần bé nhỏ, thiên thần của tình yêu.


Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Mặt nạ

Sơn son thiếp vàng che thân gỗ mục
Áo quần che lõa thể hình hài
Biết lấy gì che tâm hồn khuyết tật
Lấy gì che những vết sẹo trần ai

Mượn mặt nạ để dối gian thiên hạ
Mượn tiếng cười bôi xóa niềm đau
Mượn men rượu nhuộm hồng tươi đôi má
Tự họa chân dung bằng những nét không màu