Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

SAY

Giọt đắng
giọt cay
giọt cháy
môi mềm
bí mật của riêng em... riêng em...
nôn nao nhớ những điều cố quên
Lễnh loãng, bồng bềnh, phiêu diêu, ngây ngất
Em xinh không?
Yêu em không?
Gật đi anh
Dẫu là điều không thật
Lời nói dối cũng có khi cần
Có sao đâu
Tỉnh rượu rồi
Thêm lần nữa ... em quên !!!


Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

NẾU KHÔNG CÓ GÌ THAY ĐỔI

   Ngay từ khi chiếc điện thoại rung chuông báo có tin nhắn, linh tính sao vậy, cô đã nghe nhói, như thể cái nhói của vết cắn ngọt ngào đêm ấy đã lâu rồi, có thành sẹo đâu nên lâu dần nó cũng mờ. Thỉnh thoảng một mình soi gương, gượng chạm tay vào rờ rẫm, máu đổ dồn lên môi , lên mắt. Nhưng cũng có lúc chẳng cần gương thì thỉ thoảng vẫn bất chợt nhói như vậy, râm ran nhớ, thê thiết thèm... 
    Tin nhắn chỉ vẻn vẹn mấy chữ: " Tuần sau không có gì thay đổi sẽ về qua". Cô ngồi thừ ngó lơ, ngó lắc con đường mưa hết lâu rồi vẫn lầm lầm đỏ, những vệt bánh xe ô tô còn hằn đậm, vì vết trước  chưa kịp khô, vết sau đã chồng lấp bởi những chuyến xe lớn nhỏ. Bụi đường tung mờ ngày nắng, nát bét dính nhằng ngày mưa.. Cô chợt thấy nhột nhạt, thoang thoảng mùi thuốc lá. Lạ nhỉ con đường tít tắp quạnh vắng, mùi thuốc quen thuộc ngầy ngậy, cay cay. Lại lất vất, lại máu đổ dồn lên môi lên mắt như cơn bốc hỏa... chẳng lẽ....
  Đã là tuần sau, mà tuần sau là thứ mấy vậy nhỉ, ngày mốt, ngày hai...bảy ngày lận. Cô lầm bầm nho nhỏ, mân mê chiếc điện thoại tính nhắn hỏi chính xác ngày người ta về nhưng bàn tay lóng ngóng, truội xượt khỏi phím. Ừ, thế nào cũng làu bàu, thế nào cũng trả lời nhát gừng chả ra đâu vào đâu, thì có bảy ngày để đợi còn hơn là chẳng biết khi nào hay là đã không còn gì. Bảy ngày không còn là con số...
   Đã sang ngày thứ sáu, Mỗi một con xe qua nhà thì từ đằng xa đã lọt vào tầm mắt cô, loại xe gì, màu xe ... không phải... chắc là sắp thôi. Cô đã có thể đoán định từ khi mũi xe mới trờ đến đầu khúc ngoặt. Quán dạo này thưa khách, cuối thu ngày chóng tối nên dân bản trong cũng ngại mua bán, ăn uống nhì nhằng. Có chồng, có vợ mưa hoài chả cần ăn gì, ôm nhau ngủ cũng sướng. Còn cánh lái xe thì muốn nhanh qua đèo còn vào bản rửa ráy, ngả lưng. Đã nhiều lần nhỡ độ đường, chồn lưng, mỏi gối, nhìn cô chủ quán còn nuột nà, còn đằm thắm ở cái độ tuổi sắp hồi xuân nhiều chú lái, bác lái cũng ỡm ờ, xin tá túc lại qua đêm nhưng đều nhận được cái lắc đầu, lời nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết : " nhà em mẹ góa con côi, mời các bác vào bản...".

                                                     *

   Lúc khi chồng còn sống. Cô bán quán nhì nhằng mấy buồng chối vừa ương ương quả, mấy khúc sắn chồng trồng trên nương vừa dỡ còn bết đất đỏ, vài chục trứng gà, giỏ mận, giỏ đào dân bản thừa nhượng lại, ấm nước, vài gói bánh kẹo, gói mì tôm từ cánh lái xe chuyển về lấy tí lãi....Cái ngày ấy như định mệnh, mưa cứ lâm râm, lắc rắc chẳng có điềm báo gì. Sáng chồng lên nương, mùi đàn ông còn nồng nồng căn nhà nhỏ, cái rạo rực, cái rời rã còn vương vất đầu lóng xương. Non trưa đã nghe tin dữ - "đá lở". Chồng đã không vẹn nguyên hình hài khi được cáng về. Giấc mơ về những tảng đá lở hằng đêm cứ đè xuống, vùi lấp chồng, căn nhà, cô, đứa con gái nhỏ... 
   Cô phải cố cứng cỏi, gắng gượng mà sống, phải vừa là cha vừa là mẹ. Ngày ấy đã hứa với người nằm xuống sẽ nuôi dậy con đến nơi đến chốn, vả lại nơi quạnh vắng chỉ đơn thân với đứa con gái nhỏ yếu ớt cô sẽ bảo vệ nó bằng cách nào đây. Cô con gái đã lớn dần lên, xinh đẹp, phồng phao, đôi khi chợt nhìn thấy ánh mắt đám đàn ông truội nhanh, lấm lét về phía con gái làm cô luôn cảnh giác, bất an. Không cho con ra ngồi ngoài quán, chỉ đi học, ngồi học bài nhà trong và nấu bữa cơm đạm bạc cho hai mẹ con, cẩn thận đến mức, ăn cơm trưa cô cũng hạ liếp đóng quán....
  Một mình nuôi con, một mình với những cơn gió tuyềnh toàng thông thốc thổi những đêm trở chứng, mưa rát rạt bật tung liếp nhà, con thác sau núi réo thở hồng hộc. Một mình chống đỡ với những lời lả lơi, suồng sã, đường mật, với những ánh mắt nghi ngại của người trong bản và với cơn mơ đá lở cứ mỗi mùa lại thắc thỏm đâu đó...
   Con gái học trường nội trú của tỉnh rồi được đặc cách vào học  trường sư phạm mẫu giáo ba năm ở tận thủ đô xa xôi, bởi dân bản đang cần giáo viên về chăm nom con trẻ, buồn vui lẫn lộn, nhìn con háo hức được ra Hà Nội quên bẵng ánh mắt mẹ mờ mờ nếp chân chim, xa vời vợi. Nghĩ tương lai rộng mở cho con, ba năm đằng đẵng rồi cũng qua, cô dồn tiền, cố vui vẻ động viên con ăn học.

                                               *

  Lại một mình những đêm mưa rát rạt, lại thông thốc gió, lại thác réo thở...Lại cơn mơ đá lở. Mỗi lần qua cơn mơ, mồ hôi ướt sũng. Khi con gái còn ở nhà, thế nào nó cũng trở dậy ôm lấy cô, vỗ về an ủi, nó đi rồi cô chỉ còn biết rã rời bó gối chờ trời sáng. 
   Đêm ấy lại một cơn mơ như hàng trăm lần cô đã mơ, cô ú ớ, những viên đá to đang lao xuống tung tóe quanh chân cô... cộc ...cộc, cộc... Cô giật mình dứt khỏi cơn mơ, tiếng gõ cửa gióng một chợt vang , chợt tắt... Cô ngồi hẳn dậy, ngoài trời tối mờ, trăng thượng tuần đã ngả chênh chếch về bên kia núi, cô nói với ra cửa :" Mời vào trong bản, nhà tôi không chứa khách ngủ qua đêm". Lại gõ, lại im ... Cô kệ kéo chăn định ngủ tiếp, lặng một lúc lâu không thấy tiếng xe cũng không thấy tiếng bước chân bỏ đi. Cô hé cửa, một người đàn ông nửa nằm nửa ngồi trước quán, ánh đèn trong nhà hắt ra cho thấy trên khuôn mặt người đàn ông loang máu. Máu do một vết rách trên trán nhỏ xuống ướt đầm vai áo, mùi rượu còn nồng nồng phảng phất, chắc người ta say lại bị vập vào đâu nên choáng. Phía dưới đèo chiếc xe quay nghiêng ghẹ đầu vào vách đá. Cô đỡ, gần như kéo lê người ấy vào nhà, đặt nằm lên cái giường duy nhất trong phòng, lập cập lấy nước ấm trong phích pha muối lau rửa vết thương rồi sờ nắn khắp người xem còn bị thương chỗ nào nữa không. Người đàn ông thiêm thiếp, miên man không biết do choáng hay say nữa, chân tay lạnh ngắt, quần áo bết dính nước mưa. Tần ngần một lát cô cố sức lật nghiêng người anh ta cởi chiếc áo sơ mi kẻ rồi đến chiếc quần ka ki sẫm màu. Mùi đàn ông khen khét nồng nồng ấm sực cả căn nhà nhỏ... cái mùi hơn chục năm cô ngỡ đã quên...
     Cô ngồi phệt xuống đất thở gấp, cảm giác rời rã từng lóng tay, hất mái tóc lòa xòa trên trán người đàn ông cô giật mình, anh ta còn khá trẻ chỉ độ trên ba mươi, khuôn mặt rám nắng vuông vức... vồng ngực phập phồng....mùi đàn ông đầy ắp miên man .... Cô thần người, bàn tay mê mụ áp lên má, sục vào tóc, rờ rẫm lên ngực trần... những ngón tay miết mê, tê dại...Người đàn ông tỉnh dần trong cảm giác ấm áp, mềm mại, run rảy và cái mùi vị của núi, của rừng, của nước, của lửa, của nước mắt, của ... đàn bà..... Cô lả người khi một vòng tay ôm siết kéo cô ngã dụi... người khách mê mê tỉnh tỉnh, còn cô cũng tỉnh tỉnh mê mê..

                                                *

    Cô lại lật qua lật lại, săm soi cái điện thoại như cố tìm thông điệp còn giấu trong đó, đọc đi đọc lại tin nhắn cũng chỉ ngắn ngủi đủ có một dòng, cái cách nhắn cũng ậm ừ không có chủ ngữ: " Tuần sau nếu không có gì thay đổi sẽ về qua". Cái gì thay đổi, một cuộc hẹn với cô bạn gái, một cuộc nhậu bất chợt hay thời tiết thay đổi. Cô biết mình chỉ ghé tạm cuộc tình, biết rằng với người ta chỉ là ghé một cuộc vui .... 
   Cuộc đời thì có rất nhiều điều có thể xảy ra, chỉ một vài viên đá lở đã làm thay đổi cả cuộc đời cô, cô đã gắng gượng chống chọi với số phận nghiệt ngã, cuối cùng cô thay đổi được những gì, thế mà từng ngày từng giờ mọi đổi thay vẫn diễn ra. Giờ đây cô cũng đã đóng đinh lên phận mình nếu có thay đổi chỉ là thay đổi cái cách nhìn nhận để chấp nhận. Chỉ có người ta như cánh chim trời tự do  trong mọi sự đổi thay bất định...
   Cô cũng chưa khi nào để ý khi ấy người ta xưng hô là gì. Anh - không phải, tui - cũng không phải, hình như không là gì, chỉ ậm ừ, mà hình như có nói gì đâu. Là cái vồ vập tức thở, nóng bỏng lưỡi, ướt rượt môi, rồi trườn thấp dần...Rồi thở gấp...Rồi...lặng...ngó lơ. Đôi khi :
- Ở lại được bao lâu ?
-  Ngày thôi, mai đi 
- Mệt không
- Ừ
... 
  Không đầu, không cuối, cũng không giống những lứa đôi sau phút mặn nồng...Núi cũng còn có ngọn gió của riêng mình, cây cũng uống nước của dòng sông thương nhớ, cô vay tạm chút tình hờ không là của riêng...Cô đợi cái không phải của mình...

                                                  *

 Chiếc điện thoại sáng đèn, cô mừng húm vớ tay bật vội vàng. Hóa ra là cô con gái nhỏ. Nó líu ríu kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè. Kết thúc cô con gái thông báo : " Nếu không có gì thay đổi rằm này con sẽ về nhà thăm mẹ...".
  Cô thẫn thờ nhìn xa xăm, những tia nắng chiều đỏ rực trên đỉnh núi, cái thứ nắng tàn ngày lếnh loáng say say rồi chìm dần vào sương loang mờ mờ. Dưới chân núi, nhà nhà trong bản đã nhen lửa nấu cơm chiều, khói lam vương vất ngoằn nghèo. Ơ, xa thế sao mắt cô cay xè... thật lạ....
  Cô bấm đốt tay lẩm bẩm: " Nếu không có gì thay đổi, mười ngày nữa sẽ đến rằm !"....
  
   
  
  
  
   

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

BÃO

Mùa bão, xin đăng lại 2 bài thơ về mùa bão kinh hoàng năm 2010


VỀ ĐI EM

Nước đã rút hết rồi sao em chẳng về đi
Trời vẫn chưa thôi mưa vì đời toàn nước mắt
Chiều tím bầm
Một màu tang tóc
Hy vọng mỏng manh tan theo hương khói vật vờ
Về đi em
Từng phút giây trông ngóng đợi chờ
Tên em run rẩy trên bao làn môi tím tái
Nước lạnh lắm
Em hãy quay về lại
mảnh vườn đây, nền nhà cũ còn đây
Mắt mẹ khô khốc, quờ quạng ngón tay gầy
Đau xé lòng
Em ở đâu giữa hoang tàn đổ nát
Em còn trẻ thế, không thể nào tin được
Xin hãy quay về

Em ơi !!!!!!!!!!!!!!


NGÀY MỚI


Chừ còn răng !!!
Nước ngập trắng đồng
Hạt lúa nảy mầm trên bông
Thân gãy gập
Rứa hết rồi
Nỏ biết lấy chi mô mà sống ???
Cây trái ngập bùn non khô nắng hong
Em gái má thôi hồng
Thưa thớt tiếng gà trưa...đường làng quạnh vắng
Ngoi ngóp thân tre gầy vươn thẳng
Cót thóc rỗng không
Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác
Tiếng nấc nghẹn
Đêm dài xơ xác
Lưng mẹ oằn gánh thêm còng
Mẹ làm sao gánh được cả mùa đông...
Nền nhà trống 
Cánh tay cha thêm thừng chão
Mồ hôi rơi khét cháy lưng trần
Nhà dựng lại
Ươm thêm mầm cây trái
Tiếng trống trường lại rộn rã vang âm
Chừ nỗi buồn đau đành gác lại
Ngày giỗ chung

...Giọt nước mắt âm thầm !!!!!!!


Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Vu vơ đem giấu vào đâu
Vào đêm thức trắng, giọt dầu thời gian
Ngủ đi khép bóng mi ngoan
Xóa thương, vùi nhớ đa đoan làm gì
Ngủ đi, thôi hãy ngủ đi
Kìa cơn gió đực thầm thì ghẹo trăng
Rối bời xiêm áo chị Hằng
Thất tình Cuội trải lá nằm buồn tênh
Mình vui bên ấy với tình
Ta vui vì biết rằng mình đang vui
Tay ôm lấy cái ngậm ngùi

Vụng về ru giấc cùng người vào mơ
Tìm về cái thủa ngây ngô
Rước đèn phá cỗ trung thu cùng mình

Hihi...mấy lời KD comment nhà HT mang về treo chơi rước rằm, vui thôi, cười thôi, phá cỗ thôi ...trăng kìa.. 

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

ĐÒ ĐẦY

Tôi dừng chân bên chiếc lán khá rộng nằm sát mé sông. Đó là một quán bán hàng phục vụ khách chờ phà, được dựng lên toàn bằng các loại sắt và tôn cùng những ống tuýp nước đủ các chủng loại. Gió đầu đông từ tứ phía sổng sểnh hất vào quán. Trong lán có khoảng gần chục khách đang đợi phà, người đứng, kẻ ngồi rúm ró. Tất cả thật buồn và tĩnh lặng nếu không có tiếng nô đùa hồn nhiên, vô tư của mấy đứa trẻ cùng âm thanh phát ra từ chiếc cát-sét hòn gạch cổ lỗ đặt chiếc trên bàn nhựa ở góc lán : "Thương nhau ta tìm về, thăm lại miền quê, có cánh cò ven đê, có dòng sông khi chiều về...".
Hớp một ngụm trà nguội tanh lạnh ngắt và nhạt thếch, tôi lơ đãng hỏi bà chủ quán :
- Cụ ơi, chờ phà còn lâu nữa không ạ ?
- Cũng phải cả giờ đồng hồ đấy chú ạ ! Người ta còn phải chờ khách bên kia cho đẫy chuyến rồi mới sang. Hay chú đi đò, ông ấy cũng sắp sang rồi !?"
- Đã có phà rồi mà còn cả đò ngang nữa ạ ?
- Xuôi một chút... đấy, cái chỗ có chiếc mái lều lợp lá ấy. Cần gấp sang sông, chú xuống đấy, cứ có khách là ông lão chở ngay nên đi nhanh đáo để.
Tôi hớp thêm ngụm trà : "Sao mà cạnh tranh được cụ nhỉ. Phà rộng, khách đông còn lo lỗ, sức người làm sao đua được. Mà nhà phà người ta để yên cho ông ấy chở khách hả cụ ?".
Bà lão vừa têm miếng trầu vừa nhẩn nha :
- Lúc đầu họ cũng ý kiến buộc lão phải nghỉ. Nhưng ông ấy biết làm gì để sống ? Ngoài căn nhà nhỏ trong xóm và chiếc đò của người cha để lại, ông ấy không ruộng vườn, chẳng nghề nghiệp. Thế là cuối cùng nhà phà cũng đành thông cảm vậy. Ngày một vài lượt khách, đôi khi cũng có mấy ông khách lãng đãng thích cảnh đẹp ven sông lại thuê ông ấy chở dọc về phía thượng nguồn, kiếm sống chật vật vậy mà ông ấy vẫn nuôi được đứa con gái ăn học đàng hoàng, gần hết cấp 3 rồi đấy. Cả cái xóm bên sông ngoài con ông ấy chỉ còn thằng con trai của một lão chủ mộc là trụ được tới cấp 3...
Câu chuyện bà lão kể cứ thế trôi trôi theo con nước. Thấy tôi chăm chú, cụ tiếp
"Này, không ai ngờ lão ấy xấu xí là thế mà con gái xinh đáo để. Đúng là giống cái.... con mẹ nó. Cái đận lão ấy lấy vợ, cả làng xôn xao kinh ngạc vì chẳng ai ngờ cô dâu lại là cô gái xinh nhất trong làng.Tất cả trai làng dều tiếc hùi hụi, còn bọn trẻ con thì chạy hàng đoàn rồng rắn lên mây theo sau cô dâu chú rể mà đồng thanh : "Chú rể chèo đò, xấu như con cóc / Cô dâu theo sau, vừa đi vừa khóc....". Quả thật, ngày lão cưới vợ, ai chứng kiến cũng phải buồn cười. Cô dâu về nhà chồng mà nước mắt như mưa, khóc như... cha chết. Còn chú rể cười ngượng nghịu, mồm ngoạc ra như mếu dở....
Nhưng rồi cái số lão ấy cũng chẳng ra gì. Bẵng một thời gian, tưởng sẽ yên ổn, vợ đẹp con khôn, ai ngờ khi con bé chưa đầy 2 tuổi thì cái.... con mẹ thất đức của nó dứt áo bỏ lão ra đi.  Thế là mình lão gà trống nuôi con. Mà không biết kiếp trước nhà lão ăn ở thế nào chứ ít người thương con, quý vợ như lão lắm. Vợ lão mới chửa, người làng bắt gặp lão lên tận chợ huyện, có đồng nào móc sạch, mua đủ thứ về cho vợ tẩm bổ. Còn từ ngày vợ lão bỏ đi, lão càng quấn quít chiều chuộng con bé. Mấy năm trước, có lần con bé bị đau ruột thừa, lão cõng con bé trên lưng chạy suốt cả đêm lên bệnh viện rồi khóc rống gọi bác sĩ...
 đò sắp sang rồi đấy ! "
- Sao cụ biết, cháu có thấy gì đâu ?
- Tôi nói cấm sai, chú cứ chờ xem. Vừa có tiếng trống tan trường, chỉ lát nữa là con bé ra, trời nắng cũng như mưa chưa bao giờ lão để cho con bé phải chờ.
Bà lão bán hàng nói quả không sai, một chấm đen hiện rõ dần, một chiếc đò và dáng người đàn ông đang khom mình đẩy chiếc mái chèo dài như đòn gánh.  "Con bé đấy !" – tiếng bà lão làm tôi giật mình quay lại. Tôi không ngờ ở miền ngược, nơi xa xôi khuất nẻo này lại có người xinh đến thế, một vẻ đẹp tinh khiết của tuổi nụ vừa chớm xuân. Tôi ngẩn người nhìn cô bé đang đi như chạy về phía chiếc lều nhỏ, nơi con đò đã cập mép nước. Tôi hấp tấp đứng dậy trả tiền nước cho bà lão :
- Thôi cháu đi đò vậy, chờ phà lâu quá !
Chậm rãi cất mấy đồng bạc nhàu nát vào chiếc hầu bao, bà lão bảo :
- Này, cậu nhớ đừng trêu ghẹo gì con bé đấy. Đã có người bị lão đẩy xuống sông, cho uống no nước rồi mới vớt lên vì dám cợt nhả với con bé...
                                  x           x
            x
Một người đàn ông ông ngoại ngũ tuần, thấp đậm, da ngăm bánh mật, nhưng rắn rỏi, đặc biệt là bắp tay gân guốc, chiếc quần vải gụ đã sờn, ống cao ống thấp, trên đầu quấn chiếc khăn màu cháo lòng, một đầu khăn chéo xuống bên vai... Khi nhìn rõ khuôn mặt lão chèo đò, tôi nghĩ, cách miêu tả của bà lão bán quán còn có phần nhân nhượng.  trên đó là sự chen lấn của các hình khối, đường nét không theo những quy luật, trật tự bình thường. Chiếc mũi vừa ngắn tun ngủn, vừa sần sùi như người đang lên thủy đậu. Cánh mũi vừa to, vừa rộng toang hoác. Cái miệng như chứng hở hàm ếch tuy đã được vá lại nhưng do một bàn tay vụng về nên môi trên và môi dưới không đối xứng khiến nó trở nên méo mó, kéo cái cằm trễ xuống. Duy chỉ có đôi mắt tuy hùm hụp chìm giữa đống nếp nhăn chằng chịt lại ánh lên một sự ấm áp đến lạ thường.
Con đò chưa kịp áp vào bờ, cô bé đã hấp tấp nhảy xuống làm con đò chao đi, cô bé mất đà suýt ngã. Người cha hốt hoảng nhao lại đỡ và hét lên :"Cẩn thận ngã... con !". Nhưng cô bé dường như không để ý tới điều đó, vẫn nhoài người về phía cha, cô hổn hển :
- Bố ! Mẹ còn sống phải không ?
- Hả ? Ai nói vậy ?
- Lúc nãy có một cô chặn con ở cổng trường, dúi cho con cái túi này , rồi cô ấy khóc và bỏ chạy. Con đuổi theo nhưng không kịp, cô ấy đã lên xe ôm đi mất. Đúng là mẹ !.... Bố, bố …nói dối !…
Vừa nói cô gái vừa mở chiếc túi ra, bên trong là mấy bộ quần áo dành cho con gái và một ít tiền.
Ông lão gầm lên một tiếng uất nghẹn, đau đớn rồi giằng lấy chiếc túi cô con gái đang cầm lẳng xuống sông. Cô gái sững sờ nhìn cha rồi nhìn những bộ quần áo đang dập dềnh trên mặt nước. Bỗng cô thét lớn "Bố ác lắm!", rồi bỏ cắm đầu bỏ chạy lên bờ vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Lão chèo đò như sực tỉnh, hốt hoảng :"Nga, Nga ơi ! Không phải vậy đâu con....". Và lão nhảy ào xuống nước, lập cập, run rẩy vớt các thứ lên và cứ lướt thướt như thế đuổi theo con gái. Một lát sau lão thẫn thờ quay lại. Lúc này lão mới nhận ra sự có mặt của tôi - Người khách chờ đò duy nhất trong buổi trưa hôm đó. Lão nói như mếu : "Hôm nay tôi không chở đâu, cậu đi tạm phà vậy !"
x           x
               x

   Trở về, qua dòng sông ấy, tôi lại cố tìm ông lái. Con đò nằm thõng thẹo, im lìm bên dòng nước lững lờ mùa cạn. Lão lái đò ngồi bất động trên chiếc chiếu nhỏ trong túp lều, bên cạnh là chai rượu đã vơi quá nửa. Tôi bước vào, lão nhìn ra bằng đôi mắt hùm hụp, ngấn nước rồi xua tay : "Chú sang bằng phà, tôi không còn chở đò nữa rồi". Không trả lời, tôi khom người bước vào túp lều, ngồi xuống cạnh lão. Lúc này lão mới nhận ra tôi : "Xin lỗi cậu vì chuyện hôm đó, ngần ấy năm chèo đò, tôi chưa để ai lỡ chuyến. Có lẽ cậu là người duy nhất". Nói rồi lão với tay lấy cái chén, rót rượu mời tôi. Và câu chuyện không đầu không đũa cứ thế trôi đi, lấp dần những điều tôi còn chưa hiểu sau lần hôm trước qua đây.
"....  Từ khi nó còn bé, tôi đã định đưa nó đi khỏi đây, đi thật xa để vĩnh viễn nó là con của tôi. Nhưng cứ nghĩ cảnh cô ấy về tìm con không được, cô ấy sẽ đau khổ đến mức nào là tôi lại không đành lòng. Tôi vừa mong, vừa sợ cô ấy trở về. Rồi cách cái lần cậu chứng kiến đó khoảng hơn một tháng, người làng nói với tôi là loáng thoáng thấy cô ấy trên phố huyện. Từ lúc ấy tôi đã thấp thỏm không yên .
Nuôi con Nga từ bé, tôi luôn nói với nó rằng mẹ nó bỏ đi buôn bán và đã chết. Nó tin là như vậy cho đến cái hôm ấy...
Vâng ! Nó đã đi rồi, nó bỏ đi thật rồi. chắc cô ấy đã đón nó, vậy là con bé không thèm chào tôi lấy một câu, chắc con bé ghét tôi nhiều lắm vì tôi đã lừa dối nó...
Nói đến đây, ông lão ngửa cổ uống cạn chén rượu, mặt nhăm nhúm : "Tôi không có quyền giữ nó. Như vậy tốt cho con bé và cô ấy hơn phải không cậu ?".
"...Cái số tôi ông trời bắt phải cô độc, có vợ mà không phải vợ, có con mà không phải con. Ngày ấy tôi đã gần bốn mươi mà chưa dám cầm cổ tay một người con gái nào. Hoàn cảnh của tôi nó thế. Còn cô ấy tuy nhà không giàu có gì nhưng đã bao đám mối mai, nghiêng ngó. Cậu nhìn con bé thì biết, nó giống mẹ như đúc, giống đến nỗi nhiều khi tôi giật mình.
Nhà cô ấy nấu rượu nên tháng nào cô ấy cũng đôi ba lần mang rượu lên chợ huyện bán. Cũng bởi lẽ đó mà tôi được gặp cô ấy. Vừa chèo đò, vừa ngắm cô ấy, với tôi thế là quá đủ. Mỗi lần đò cập bến, gánh rượu lên bờ đê cho cô ấy, nhận được nụ cười cảm ơn là tôi ngơ ngẩn cả ngày.
Cho đến một hôm, trời đã tối mà tôi thấp thỏm không yên bởi cô ấy sang đò từ sáng mà vẫn chưa thấy trở về. Tôi bỏ cả ăn uống, nấn ná đợi để còn chở đò đưa cô ấy qua sông. Khi bến sông đã chìm vào giấc ngủ thì tôi thấy cô ấy thất thểu đi trên bờ đê. Thế là tôi lần mò bao diêm châm đèn để báo cho cô ấy biết là tôi còn thức. Chẳng để ý tới điều đó, cô ấy cứ chậm rãi bước xuống mép nước. Ban đầu, tôi tưởng cô ấy xuống rửa mặt nhưng khi nước ngập quá đầu gối thì tôi mới hiểu ra, tôi hét lên gọi cô ấy. Nhưng càng gọi, cô ấy bước xuống càng nhanh. Tôi bơi ra được chỗ cô ấy thì nước đã ngập quá đầu, tôi túm lấy cô ấy thì cô ấy giãy giụa chuồi ra khỏi tay tôi, tôi phải làm theo kiểu của những người sông nước, bẻ quặt tay cô ấy ra sau lưng mà lôi. Tôi luống cuống dìu cô ấy lên bờ và đó là lần đầu tiên tôi chạm vào cơ thể của một người con gái. Tôi vội vã ép nước từ trong bụng cô ấy ra ngoài, cả người cô ấy lạnh ngắt. Tôi xoa dầu và đốt đống củi nhỏ cho cô ấy đỡ lạnh. Rồi cô ấy tỉnh lại, không nói với tôi lời nào mà chỉ ôm mặt khóc tức tưởi. Cả đêm hôm đó, hai chúng tôi cứ ngồi như vậy bên đống lửa. Cho tới gần sáng thì cô ta kể lại cho tôi lý do việc cô ấy không còn thiết sống. Thì quanh đi quẩn lại cũng tại cái thằng sở khanh trên phố huyện. Cô ấy bảo, bây giờ không còn mặt mũi nào về nhà vì cái tiếng chửa hoang..."
Vâng ! Tôi đã van xin cô ấy, dù sao cũng phải nghĩ tới đứa bé trong bụng, nó đâu có tội lỗi gì. Tôi bảo, nếu cần một người đứng ra nhận làm cha nó thì tôi sẵn sàng xin làm đám cưới hỏi đàng hoàng, chỉ ngại... Tôi cũng nói thẳng với cô ấy, tuy tôi nghèo nhưng có thể lo cho mẹ con cô ấy... Thế là đám cưới đã nhanh chóng diễn ra.
Với tôi, từ ngày có cô ấy cuộc sống như trong mơ tuy rằng tôi vẫn ngủ trên chiếc chõng nhỏ phía ngoài, còn cô ấy ngủ trong nhà. Cả hai chúng tôi luôn âm thầm lặng lẽ như hai chiếc bóng. Con bé sinh ra nặng tới  ba cân rưỡi. Thú thật tôi chẳng nghĩ con riêng con chung gì, tôi quý nó như thể đấy chính là máu mủ của mình. Từ bé, con nhỏ cả ngày quấn quít quanh tôi, khi nó bập bẹ gọi ba ba tôi đã vui đến phát khóc, còn mẹ nó thì ít nói lắm, chỉ lặng lặng, buồn rười rượi. Cuộc sống chậm rãi trôi qua cho tới khi con bé gần hai tuổi thì cô ấy đột ngột bỏ đi và để lại cho tôi một lá thư. Trong thư cô ấy tạ lỗi với tôi và nói rằng cô ấy không bao giờ có thể làm vợ của tôi một cách trọn vẹn. Tôi càng đối xử tốt với mẹ con cô ấy, cô ấy càng cảm thấy có lỗi. Cô ấy bảo việc ra đi là vì muốn tôi có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Trong thư cô ấy nói con bé còn nhỏ dại quá, cô ấy không muốn nó phải khổ, cô sẽ đi tìm việc làm, khoảng vài ba tháng sẽ về đón đứa bé để tôi đỡ vướng víu. Thế mà thấm thoát đã 13 năm trôi qua..."
Ông lão cứ rầm rì kể. Nước mắt ứa dọc những nếp nhăn hằn sâu. Có lẽ chưa bao giờ lão có cơ hội được rút ruột mình ra như vậy.
"Tôi đau đớn lắm khi mất cô ấy nhưng cũng lại mừng vì nghĩ rằng người xinh đẹp như cô ấy không thể có hạnh phúc khi sống với một thằng chèo đò xấu xí, nghèo kiết xác, cầu bơ cầu bất như tôi".
Chậm rãi rót những giọt rượu còn lại trong chiếc chai thứ hai, ông lão ngửa mặt lên trời than :
"Tôi không ác với ai bao giờ, sao ông Trời cứ bắt tôi phải sống cô độc, thui thủi một mình. Tôi nhớ con bé quá, nhưng chắc cuộc sống của nó sẽ tốt hơn khi được chính mẹ nó chăm sóc phải không cậu ? Cái lẽ đời... là thế .   Rượu hết, bữa rượu tàn, cũng là lúc cả tôi và ông lão không còn biết gì trời đất. Không rõ phần hồn của chúng tôi được lâng lâng như thế trong bao nhiêu lâu nhưng cả tôi và ông lão đều bừng tỉnh lại khi có tiếng gọi : "Bố! ...bố... ơi !". Đúng là con bé rồi, từ trên triền đê nó chạy ào xuống túp lều. Tôi dụi mắt không hiểu mình tỉnh hay say. Dường như trên đê còn thấp thoáng bóng một người đàn bà...
    Một ngày mùa đông sao trời lại xanh đến thế !...


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

CÓ NHỮNG KHI

    Có những khi cuộc sống thật bình yên mà vẫn thấy lòng cồn cào như sóng bể.
    Có những lần trái tim quặn đau, thay vì khóc ta lại cười, có những lúc không đâu, nước mắt sao cứ lăn dài . 
    Có một thời đã tưởng mình có tất cả, mà lại chẳng có gì, ta càng cố nắm chặt thì tất cả như hạt cát rơi qua kẽ tay. 
    Có một ngày thấy mình rơi, rơi mãi, khi tưởng chừng  chạm đến đáy của tuyệt vọng, ta đã chấp nhận xuôi tay thì hình như lại có điều gì đó níu kéo lại, phải chăng đó là sức sống tiềm tàng hay chỉ là trò đùa của số phận.
    Có một lúc nào đó tưởng như dửng dưng trước mọi điều, mà bất chợt lại ngẩn ngơ, thẫn thờ, véo von một tiếng chim rớt qua cửa sổ. Có lúc yêu,yêu từng ngọn cỏ, lá cây. Có khi ghét, ghét cả thế gian này.
    Có nhiều khi lòng bỗng lạnh tanh trước lao xao con người, vui vẻ náo nhiệt là thế, lại thấy trống hoác, trống huơ. Ta bỗng thèm được bỏ đi lang thang một mình...
    Có những khi lạc loài giữa những khuôn mặt xa lạ, ta lại thèm một ánh mắt nồng ấm, một lời sẻ chia hoặc có khi chỉ là sự nhận diện của con người với con nguời...
    Có những khi... có nhiều khi cũng không hiểu nổi được chính mình và đôi khi ta cũng tự thấy ghét chính bản thân mình... 

   Có những khi ... !

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

HƯƠNG THU HÀ NỘI

"Hà nội mùa này mùa hoa sữa"…
   Câu thơ mặc nhiên như đó là một loài hoa đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Có lẽ vậy, chưa có ở nơi đâu hoa sữa lại được nhắc đến nhiều như ở nơi đây. Hoa sữa không đẹp rực rỡ như hoa Phượng, hoa Bằng Lăng, náo nức cháy bỏng chào đón mùa hạ. Hoa sữa đẹp một vẻ đẹp kín đáo, giản dị, hòa trong sắc thu dịu dàng. 
  Thu đi chầm chậm. Những chùm hoa li ti xanh ngọc ẩn mình lẫn trong lá. Một sớm nào, trong làn gió thu nhè nhẹ một mùi hương se sẽ, vấn vít đâu đây. Ta chợt giật mình ngỡ ngàng... hương hoa sữa!. Đung đưa trên cao, những chùm hoa đã ngả sang màu trắng sứ từ lúc nào, lặng lẽ dâng hương. Hương hoa sữa nồng nàn , thật đậm, thật riêng không thể lẫn với bất cứ một mùi hương nào khác, hơi hăng hắc nhưng ngọt ngào, nồng ấm. Mà hương hoa ban ngày cũng rất khác ban đêm. Ban ngày trong cái nắng thu vàng hanh hao, hương hoa như cô đặc , quấn quýt, nồng nồng. Đêm đến trong hơi sương se lạnh, hương hoa lan toả miên man, miên man, như nhắc nhớ về một miền hoài niệm nào đó.

    Có ai không một lần một mình hoặc cùng bạn bè, người thương cùng dạo bước rong chơi trong đêm thu. Để hương hoa sữa cứ len vào, thấm đẫm một vùng ký ức. Thu qua, hoa sữa sẽ tàn, hương hoa sữa cũng sẽ mất, nhưng miền ký ức đó vĩnh viễn không bao giờ phai nhạt. Một ngày nào đó hay ở một phương trời nào đó, lại nao nao một nỗi nhớ...hương thu Hà Nội!.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

MẠNG ẢO

     Chị nắm tay tôi thật chặt, cái giọng miền Trung khá nặng làm tôi bối rối vô cùng :
   - Ảnh cứ đòi ra ngoài ni, ảnh nói muốn gặp em một lần cho biết. Chị không dám cản, mới đầu chị cũng chưa quyết định đi cùng ảnh đâu hè, nhưng từ bé chị cũng chưa ra ngoài ni nên chị cũng thèm lắm ha, vậy là chị liều, ba bảy cũng liều. Khi đứng trước cửa nhà em rồi mà còn run, chị đã nói với ảnh nếu em chỉ là ở trên mạng thui mà không có là thực, thì anh chị cũng sẽ đi chơi một vòng cho biết Hà Nội rồi về lại ngay. Chị có biết mạng nó như ri đâu, chỉ biết tin ảnh và tin em thui. Chị đi mà ngay cả con gái mấy đứa cũng không dám nói hè vì sợ chúng nó cười và cản không cho đi, chị chỉ nói về quê ngoại thui hè…Ai dè được em tiếp đón và đưa đi chơi suốt mấy ngày ni chị xúc động lắm…
   Chị cười, đôi mắt ánh lên ngời ngợi, tôi biết chị vui lắm và tôi cũng thế. Tôi cũng ước ao được gặp anh chị một lần, người anh mà bao giờ đi chùa cũng cầu khấn cho tôi được bình an và hạnh phúc, người mà suốt ngần ấy năm chưa bao giờ quên lời chúc cho ngày sinh nhật của tôi , người mà thỉnh thoảng một buổi sáng mùa đông rét mướt tôi lại nhận được một cái tin nhắn : “Nhớ mặc áo ấm”. Nhưng thực sự trong lòng tôi không mấy tin là tôi và anh sẽ gặp nhau, mạng thì ảo, anh và tôi cách nhau hơn ngàn cây số. Tôi ở Hà Nội còn anh ở tận miệt vườn Đông Nam Bộ. Tôi vẫn đùa anh là đại địa chủ, vì đất vườn nhà anh rộng hơn cả cái Hồ Gươm… Chỉ đến khi nghe anh gọi điện nói đặt vé máy bay rồi tôi mừng húm…
   Tôi muốn nói thật nhiều với chị, một người chưa biết đến mạng ảo, chị đã tin và đến với tôi bằng niềm tin rằng: Tôi thật sự rất xúc động. Tôi rất muốn chị mãi tin, mạng ảo làm người ta gần nhau hơn, chia sẻ với nhau , giúp đỡ nhau rất nhiều, tình cảm ảo mà rất thật. Nhưng mặt trái của nó thì chị không bao giờ nên biết, vì tôi rất yêu chị.

  Rồi một ngày nào đó nhất định em sẽ vào thăm chị, em xí hai cây cao su rồi đấy, nhất định em sẽ mắc võng mà ngủ một giấc no nê mặc cho muỗi nó khiêng đi như chị đã dọa, em không sợ. Nhất định thế … nhất định thế…


Anh và chị





Anh và em ( đích thân chị chụp ) - chị bảo cái ảnh ni chị chụp đẹp nhất đấy  ...hihi. Yêu chị lắm...


Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

HẠNH PHÚC

 - Sao dạo này mọi người thích tặng nhau hạc giấy thế không biết.Tối nay ở lại làm thêm cho cô đi, hàng gấp quá.Cô chủ nằn nì hai chị em nó .
  - Chị à, tại sao người ta lại tặng cho nhau nhiều con hạc giấy như thế để làm gì?- Nó khe khẽ hỏi Mai.
    Mai hơn nó năm tuổi và làm ở đây lâu rồi. Công việc của hai chị em nó là làm ra những đồ vật nho nhỏ, xinh xinh để làm quà tặng, quà lưu niệm. Đổi lại ngoài bữa ăn miễn phí, tiền công nó và Mai được trả hàng tháng cũng chẳng đáng là bao, nhưng dù sao, với những người như nó và Mai, có chỗ chấp nhận, có đồng tiền kíếm được từ sức lao động của mình là tốt rồi. Mai giống nó ở đôi chân khuyết tật và có chung sự mặc cảm. Bị bệnh bại liệt từ nhỏ, một chân của Mai teo nhỏ nên khi đi lại cả thân hình cô bé cứ nghiêng nghiêng về một bên. Nhưng so với nó Mai còn sung sướng hơn nhiều bởi vì nó chỉ có thể di chuyển được nhờ vào đôi tay...
     Trong những lúc ngồi làm, nó và Mai thường hay nói chuyện. Mai hay nói đến sự bất công của ông trời. Điều Mai ngạc nhiên nhất về nó là sự cam chịu. Nó không oán trách số phận như Mai dù khi sinh ra số kiếp nó đã gắn liền với đôi chân tật nguyền. Nó không nghĩ về nỗi khổ của bản thân mà thường nghĩ đến nỗi đau của người khác. Nó luôn dằn vặt rằng: Vì sự có mặt của nó trên thế gian này mà mẹ nó đã không thể có một cuộc sống hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường khác. Các cô, các bác sống cùng trong khu tập thể bảo rằng bố nó đã bỏ mẹ nó ra đi khi thấy nó được sinh ra mà không có đôi chân lành lặn...
     - Em không biết à, chị nghe thấy họ bảo là để cầu chúc cho nhau những điều hạnh phúc. Khi người ta muốn cầu mong cho người thân của mình được hạnh phúc thì người ta sẽ gấp những con hạc giấy, nếu gấp được một nghìn con thì điều ước ấy sẽ thành hiện thực.
     - Em à, như chúng mình thế này thì những điều ước chỉ là điều không tưởng... Đúng như vậy, chị em nó nhìn nhau nước mắt ngân ngấn...
                                              *

   Ngày nào nó cũng chăm chỉ cần mẫn với công việc, cho đến khi lên chiếc xe lăn trở về nhà thì toàn thân nó mỏi nhừ đến tê dại. Mẹ không muốn cho nó đi làm nhưng nó không chịu. Nó lấy lí do đi làm cho vui và để cuộc sống này có ý ngĩa hơn. Nó hiểu rằng nó là tất cả cuộc sống của mẹ. Tất cả tình thương yêu của mẹ đều dồn cả cho nó, một đứa con không may mắn. Nhưng nó nghĩ, mẹ có gì hơn nó. Thấy người ta bảo ngày ở chiến trường hình như mẹ nó đã bị nhiễm chất độc hóa học. Mỗi khi trái nắng trở trời, những cơn đau nhức lại làm mẹ vật vã. Mẹ nghiến răng chịu đựng, mồ hôi trên người ướt sũng như tắm, khuôn mặt trở nên trắng bệch. Những lúc như vậy, nó chỉ biết ôm mẹ khóc...
     Nó lớn dần nhưng mắt mẹ mỗi ngày một mờ đi. Mẹ không thể làm việc ở bộ phận may quân trang được nữa mà phải chuyển sang tổ đóng gói, rất vất vả. Mấy cô, mấy bác cứ khuyên mẹ nghỉ chế độ, nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo vẫn phải cố gắng đi làm vì còn phải lo tương lai cho nó.

                                                  *

       ...   Mẹ đã ngủ say sau một ngày quần quật với công việc. Nó nhẹ nhàng trở dậy, bật chiếc đèn bàn rồi cẩn thận che thật kĩ ánh sáng, không để mẹ thức giấc. Nó ngồi lặng lẽ gấp hạc giấy cho chính mình. Nó cẩn thận, nâng niu gấp từng con một, gửi vào trong đó những ước vọng thầm kín từ đáy lòng. Chỉ trong hai đêm nó đã gấp đủ một nghìn con hạc. Nó cẩn thận xếp tất cả vào một chiếc hộp rồi chìm vào giấc ngủ với lời ước trên môi cùng những cánh hạc bay về phía mặt trời... Nó hồi hộp trông chờ điều ước ấy sẽ thành hiện thực.

                                                * 

      Hồi bé, mỗi năm cũng đôi ba lần bố nó ghé thăm hai mẹ con. Mỗi lần bố đến, mẹ thường lẳng lặng bỏ sang phòng các cô, các bác trong khu tập thể. Bố mua rất nhiều quần áo và bánh kẹo. Bố ôm nó vào lòng, vuốt tóc nó và dặn dò nó phải ngoan, phải cố gắng... Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ bố nhìn xuống hay chạm vào đôi chân tật nguyền của nó. Những lần bố về chỉ là chốc lát rồi lại vội vã ra đi. Có nhiều lúc nó muốn khóc thật to và níu kéo bố lại với nó, với mẹ. Nhưng không, nó chỉ cắn chặt răng và bậm môi lại. Mẹ cũng vậy, ngày nào bố đến là mẹ lại không ngủ, lặng lẽ âm thầm khóc không thành tiếng. Nó vẫn biết vì đôi vai mẹ và chiếc giường rung lên nhè nhẹ. Nó muốn ôm lấy mẹ mà khóc nhưng lại lặng lẽ nuốt nước mắt vào lòng vì... thương mẹ, nó không muốn mẹ biết rằng nó cũng khổ sở biết bao khi mẹ khóc. Để sáng hôm sau mắt mẹ sưng húp lên và mẹ lúng túng tránh nhìn nó,vội vàng đi làm...
   Lớn lên một chút nữa nó hiểu rằng mẹ chấp nhận để bố về thăm là vì muốn tuổi thơ nó không bị buồn tủi. Đã có lúc nó ước bố đừng trở về nữa để mẹ nó không còn phải khóc. Điều ước đó đã thành hiện thực, mấy năm rồi bố không về thăm mẹ con nó nữa, hình như bố nó đã lấy người khác. Nó tưởng như vậy mẹ sẽ bớt buồn hơn. Nhưng không mẹ vẫn âm thầm một mình một bóng và nhiều đêm đôi vai gày của mẹ vẫn rung lên nhè nhẹ...Và nó lại thầm ước mong bố nó sẽ trở lại.

                                              *

   Chiếc giường và đôi vai gầy của mẹ không còn rung trong đêm nữa, mắt mẹ đã có ánh vui, thỉnh thoảng còn thấy mẹ mỉm cười một mình. Có những ngày nghỉ, mẹ đi đâu đó đến chiều tối mới trở về. Lòng nó xốn xang theo những thay đổi của mẹ. Phải chăng điều ước của nó đã thành hiện thực. Nó chờ ngày bố trở về để nó có thể khoe với bố nó đã biết làm biết bao nhiêu việc, tuy chân như vậy nhưng nó vẫn là đứa con có ích, chắc bố vui lắm và bố sẽ ở lại với hai mẹ con. Những điều nó mong mỏi chưa tới nhưng nó thấy mẹ dường như hồng hào trở lại,đôi mắt mẹ ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Phải chăng mẹ đang đến với bố, nhưng chắc bố còn bận chưa về được. Trong nó biết bao điều phấp phỏng mong chờ...
     ...Rồi một ngày mẹ đưa một người đàn ông về nhà, nhưng không phải là bố. Một người đàn ông với một đôi nạng gỗ. Trời ơi hạnh phúc của mẹ là đây sao?. Một chiếc xe lăn chưa đủ khổ cho cuộc đời của mẹ , nay lại thêm... Nó cắn răng, bặm môi và lao nhanh chiếc xe lăn ra ngoài. Trời đất quay cuồng, đảo điên, tim nó thắt lại đau đớn.
     Đêm ấy, mẹ đã kể cho nó nghe về tuổi trẻ của mẹ và mối tình đầu với con người ấy. Ở nơi chiến trường ác liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ diễn ra trong tích tắc, nơi tình yêu thiêng liêng và đẹp đẽ không một chút pha trộn sự tính toán, hẹp hòi... Mẹ nó và người ấy đã thề nguyền ngày thống nhất sẽ tìm nhau. Thế rồi hai người theo hai cánh quân tiến vào Sài Gòn, sau ngày giải phóng mẹ lần mò đi tìm, cuối cùng cũng tìm được về quê người ấy. Khi mẹ đến, nhìn đôi nạng gỗ và những vết tích của chiến tranh để lại, mẹ đã vừa khóc vừa lao lại ôm chầm lấy người đó. Nhưng bác ấy đã đẩy mẹ ra và chỉ vào một cô gái ở bên cạnh và giới thiệu đó là vợ .
     Mẹ đã đau đớn suốt bao nhiêu năm trời mới có thể nguôi ngoai để đến với bố nó. Đến bây giờ mẹ mới biết, cô gái mà đã từng được giới thiệu là vợ chỉ là em gái của bác ấy. Trở thành người tàn phế sau chiến tranh, bác đã cố tình giấu mẹ mọi thông tin. Bác làm vậy vì muốn mẹ có hạnh phúc, không phải sống với bác như một gánh nặng của lời thề và cái nghĩa trong đời. Giờ đây mẹ và bác ấy mới tìm được hạnh phúc đích thực. Nó ôm lấy đôi vai  gầy của mẹ. Cả hai mẹ con cùng khóc, những giọt nước mắt của hạnh phúc.


     ... Có thể chuyện về những con hạc giấy chỉ là truyền thuyết nhưng với nó nó luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

MƯA

Người đàn bà đi dưới cơn mưa
Mưa ngân ngân nhịp vui tí tách
Môi hé mở nụ cười hạnh phúc
Giấc mơ ấm áp cuối con đường

Người đàn bà lạc bước, mưa tuôn
Hắt xối xả, ánh mắt buồn tê dại
Gió hun hút, gập ghềnh xa  xa mãi
Chập chờn nhòa, trắng xóa hư vô

Người đàn bà khóc cùng cơn mưa
Từng giọt giọt hòa chung run rẩy
Vô định bước chân, không còn lối
Không biết mình đang chìm giữa cơn mưa

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Bài thơ Đường đầu tiên thử làm, cũng không biết có đúng niêm luật không nữa. Thì có sao đâu nhỉ, không phải là thơ Đường thì là thơ ngõ vậy ....hihi



Tranh cử xưa nay vẽ sự đời

Vải thưa lại ngỡ thiên hạ đui


Ơn sâu lo lót trên bôi mép


Nghĩa cả xun xoe dưới lựa lời

Mật ít ruồi nhiều tranh miếng bở


Cò dầm nước đục mới ngon xơi


Kẻ bán người mua danh có ...giá


Quan tham quan nhũng dân kêu ...trời

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

CHỊ

Bỏ lại cây đa , bến nước, sân đình
Bỏ lại sau lưng mái nhà tranh xơ xác
Bỏ lại bữa cơm quây quần đạm bạc
Vồi vội quay đi như chẳng thể lìa xa
Trơ trọi bóng con thơ với lại mẹ già
Nhoà nhoà, mằn mặn đôi làn môi mím chặt
Cố mỉm cười thật tươi qua làn nước mắt
....Chị đi

Nơi xa kia
Phố phường tấp nập
Thừa thãi đồng tiền, thừa thãi niềm vui
Cóp nhặt từng đồng bằng giọt mồ hôi rơi
Chân rời mỏi, giọng rao khan muốn lạc
Nhà trọ co ro 
Đêm nhớ con quay quắt
Giấc mơ trở về
Ngôi nhà ngói hết dột
Con thơ đến trường khăn quàng đỏ tung bay
Mẹ già cười, manh áo ấm vừa may

Chị
Bàn chân nứt nẻ, đôi vai mỏng, chiếc nón mê

...Chìm khuất